Thứ sáu, 22/11/2024 | 20:38
RSS

ICID Complex Hà Đông: Liệu có bất chấp quyền lợi của khách hàng?

Thứ ba, 10/07/2018, 16:52 (GMT+7)

Thay vì phối hợp cung cấp chính xác, đầy đủ thông tin, bảo đảm quyền lợi khách hàng,... đại diện chủ đầu tư Dự án ICID Complex Hà Đông lại xem báo chí như "kẻ thù", ứng xử với lối "vô đạo".

Với mong muốn đem đến những thông tin kịp thời cho khách hàng đã và đang có nhu cầu mua nhà ở Dự án ICID Complex Hà Đông (Lô C37, đường Lê Trọng Tấn, phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội), PV đã nhiều lần liên hệ làm việc với chủ đầu tư là Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng (ICID).

Tuy nhiên chủ đầu tư đã từ chối cung cấp thông tin cho PV, chỉ vì không có thẻ Nhà báo, kèm theo đó là nhiều lời lẽ xúc phạm, hăm dọa PV. Khách hàng cần được biết đầy đủ thông tin và thủ tục giải chấp!

Như Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã thông tin tại bài viết “ICID Complex: Khách hàng nên cẩn trọng khi xuống tiền mua nhà?”, chủ đầu tư tiến hành bán nhà khi dự án đã thế chấp ngân hàng.

Ngay sau khi bài viết được đăng tải, đường dây nóng của Tòa soạn đã nhận được nhiều chia sẻ của khách hàng, trong đó có cả những chia sẻ xuất phát từ sự lo lắng kèm theo bức xúc của chủ nhân những bản đồng hợp đồng đặt cọc mua nhà tại Dự án.

ICID Complex Hà Đông: Liệu có bất chấp quyền lợi của khách hàng?
ICID Complex Hà Đông.

Dẫu biết rằng, trong kinh doanh bất động sản việc chủ đầu tư thế chấp dự án của mình để vay vốn ngân hàng là điều hết sức bình thường. Thậm chí, kể cả chủ đầu tư bán nhà tại các dự án như thế cũng là câu chuyện không hề trái với pháp luật (nếu được sự cho phép của ngân hàng nhận thế chấp dự án, hoặc căn nhà đó đã được giải chấp-PV).

Theo Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 99/2015/NĐ-CP thì mấu chốt của vấn đề chính là sự cho phép bán hàng của ngân hàng nhận thế chấp. Ngân hàng sẽ có thông báo tới chủ đầu tư về việc cho phép chủ đầu tư bán hàng mà không cần giải chấp, hoặc việc giải chấp sẽ được hai bên thỏa thuận thống nhất bằng văn bản riêng.

Trong trường hợp khách hàng không biết thông tin dự án đã là tài sản thế chấp thì rõ ràng người chịu nhiều thiệt thòi vẫn luôn luôn là khách hàng. Mọi rủi ro tiềm ẩn sẵn sàng ập về phía khách hàng bất cứ lúc nào nếu dự án không được “thuận buồm xuôi gió”. Thậm chí không loại trừ nguy cơ khách hàng bị "mất trắng" hoặc bị ngân hàng mời ra khỏi chính ngôi nhà của mình.

Khi dự án đã thế chấp, tức là dự án là tài sản đảm bảo cho khoản nợ giữa chủ đầu tư và ngân hàng. Đây chính điều mà khách hàng cần được biết, nhất là các thủ tục liên quan đến việc giải chấp trước khi kí hợp đồng mua bán với chủ đầu tư.

Chủ đầu tư từ chối cung cấp thông tin

Nhằm đem đến những thông tin kịp thời cho khách hàng đã và đang có nhu cầu mua nhà ở Dự án ICID Complex, đồng thời tránh những hiểu lầm không đáng có về năng lực của chủ đầu tư, PV đã gửi giấy giới thiệu kèm nội dung làm việc tại văn phòng của Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng.

Sau hơn một tuần, PV đã nhận được lịch làm việc để cung cấp thông tin cho báo chí từ phía Công ty vào 9h30’ ngày 09/7/2018. Tại buổi làm việc có bà Tạ Thị Vân - Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng.

Trước những vấn đề PV nêu ra, bà Tạ Thị Vân khẳng định: Công ty đang làm đúng theo pháp luật, trước khi kí hợp đồng mua bán với khách hàng thì Công ty có tiến hành việc giải chấp với ngân hàng.

ICID Complex Hà Đông: Liệu có bất chấp quyền lợi của khách hàng?
Văn bản thông báo dự án ICID Complex Hà Đông đã thế chấp ngân hàng.

Trước đề nghị cung cấp văn bản thông báo cho phép chủ đầu tư bán nhà không cần giải chấp của ngân hàng, hoặc văn bản giải chấp các căn hộ trước khi ký bán, thì đại diện chủ đầu tư không những từ chối cung cấp cho PV với lí do: PV không có thẻ Nhà báo, mà kèm theo đó còn là những lời lẽ thiếu kiềm chế và xúc phạm PV.

Mặc dù PV đã cố gắng chia sẻ rất kỹ để bà Tạ Thị Vân hiểu về quy định của báo chí và quyền hạn của PV khi tác nghiệp nhưng vị đại diện chủ đầu tư vẫn nhất quyết từ chối cung cấp thông tin: "Xin lỗi em, báo Trung ương chị chơi hết".

Bên cạnh đó, bà Vân yêu cầu phải có thẻ Nhà báo mới làm việc: "Không có thẻ báo chí thì mày ngồi đây làm gì, thẻ báo chí đâu? Chưa có thẻ Nhà báo mà đã đi hành nghề. Phóng viên cái đ** gì, làm gì có chuyện đấy. Không có thẻ báo chí mà ngồi như đúng rồi luôn".

"Em phải có thẻ báo chí vào đây thì chị mới xuất trình giấy. Đi làm việc phải có thẻ báo chí mới vào doanh nghiệp. Đây không có thẻ, chưa có thẻ đã vào hành nghề. Chị không làm việc với phóng viên. Phóng viên của em có chức năng c** gì đâu! m*! ".

Tiếp đó, bà Vân yêu cầu photo chứng minh thư nhân dân của PV và nói: "Trước mắt chị cứ mang đi photo đã để chiều chị mang đi chỗ này". Trước đó bà Vân còn đưa lời mang tính chất hăm dọa: "Tao nói với mày luôn, mày cứ viết bài lên tao cho mày đi luôn đấy".

Không hiểu cách làm việc của một vị đại diện chủ đầu tư như trên có đúng chuẩn mực hay không khi bà liên tục dùng lời lẽ có ý xúc phạm PV và nghề nghiệp báo chí.

Phải chăng đây chỉ là cái cớ để một lần nữa những điều cần biết không thể đến với khách hàng? Đáng lẽ những người đứng đầu doanh nghiệp và có "mối quan hệ với báo chí trung ương" như bà Vân phải am hiểu về Luật Báo chí và quyền hạn khi tác nghiệp đối với PV.

Thật tiếc, những thông tin liên quan đến việc cho phép bán hàng của ngân hàng và thông tin xoay quanh việc giải chấp vẫn chưa được sáng tỏ. Thiết nghĩ trong câu chuyện này, ngân hàng nhận thế chấp là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Tây Hà Nội cũng cần phải lên tiếng để bảo vệ quyền lợi nguời tiêu dùng.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả nội dung này. 


Xem thêm: 
Hàng loạt sai phạm 'ngoài sức tưởng tượng' của ngành Y tế Bắc Giang​

Văn Bình
Theo Môi trường và đô thị Việt Nam