Thứ năm, 25/04/2024 | 17:12
RSS

Thanh Hóa: “Dính” án hình sự vẫn được bổ nhiệm làm Trưởng phòng giáo dục

Thứ sáu, 12/05/2017, 07:00 (GMT+7)

Chuyện khó tin này xảy ra ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa khi Trưởng phòng GD&ĐT vừa mới được bổ nhiệm của huyện này trước đó chưa lâu phải đứng trước vành móng ngựa vì dính vào một vụ án hình sự.

Đánh bạc ngay cửa... đồn công an

Năm 2013, dư luận tại huyện miền núi Thường Xuân chấn động bởi một loạt cán bộ chủ chốt của huyện này bị công an bắt quả tang khi đang “sát phạt” nhau trên chiếu bạc.

Trong 6 “con bạc” bị bắt quả tang, đáng chú ý có 5 cán bộ gồm: ông Lâm Anh Tuấn (SN 1968, Giám đốc TT dạy nghề huyện Thường Xuân); Ngô Văn Tường (SN 1982, Phó phòng Tài chính huyện); Nguyễn Duy Quang (SN 1974 và Tô Văn Trường SN 1972, cán bộ cửa hàng dược); Ngô Sỹ An (SN 1965, Giám đốc kho bạc huyện Thọ Xuân)…

Sự việc xẩy ra vào ngày 14/12/2013. Vào thời điểm cuối ngày hôm đó, khi 6 đối tượng đang say sưa sát phạt tại quán café ở khu 2, thị trấn Thường Xuân, ngay trước cửa đồn công an huyện thì công an đã ập vào bắt quả tang, thu trên chiếu bạc 2,2 triệu đồng. Sau đó, cả 6 con bạc lần lượt bị công an khởi tố về tội danh “Đánh bạc”.

Bản án của TAND huyện Thường Xuân xét xử các bị cáo tham gia đánh bạc

Tại bản án ngày 5/6/2014, TAND huyện Thường Xuân cho rằng: “Vụ án đã gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng… cần ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn trên. Do vậy, phải xử lý nghiêm để giáo dục các bị cáo và nhằm mục đích răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung”.

Mặc dù tuyên bố “đanh thép” như vậy nhưng sau đó, tòa án huyện Thường Xuân đã áp khung hình phạt thấp nhất được quy định tại khoản 1 Điều 248 BLHS “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi… thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”.

Các bị cáo chỉ phải chịu phạt số tiền từ 20 đến 25 triệu đồng. Nhiều người tỏ ra bất bình khi cho rằng, đáng ra là đảng viên, là cán bộ chủ chốt của huyện phạm tội, tòa án phải áp dụng tình tiết “tăng nặng” mới đúng.

Tuy nhiên, những cán bộ này khi lại được xem xét cho hưởng các tình tiết giảm nhẹ để rồi chỉ phải nhận khung hình phạt thấp nhất.

Quyết định gây bức xúc

Mặc dù phạm vào tội “Đánh bạc” và phải lũ lượt kéo nhau ra trước vành móng ngựa nhưng điều bất ngờ là tất cả những cán bộ trên đều yên vị với chức vụ mình đang nắm giữ.

Ông Lâm Anh Tuấn trước và sau khi có bản án của TAND huyện Thường Xuân vẫn giữ chức vụ là Giám đốc TT dạy nghề, ông Ngô Xuân Trường vẫn nắm giữ vị trí Phó phòng tài chính huyện Thường Xuân…

Riêng ông Ngô Sỹ An trước khi bị kết án giữ chức Giám đốc kho bạc huyện Thọ Xuân và hiện tại làm Phó GĐ kho bạc huyện Thường Xuân.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 57 Luật viên chức năm 2010 Viên chức quản lý bị Tòa án tuyên phạm tội thì đương nhiên thôi giữ chức vụ quản lý, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật”.

Trực tiếp tham gia đánh bạc nhưng ông Tuấn chỉ bị "cảnh cáo" về mặt đảng

Luật sư Vũ Văn Thiệu (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Trong Bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Thường Xuân thể hiện, các bị cáo bị truy cứu về tội đánh bạc và bị áp dụng hình phạt chính là phạt tiền.

Chiếu theo quy định của Luật cán bộ công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành, hình thức xử lý kỷ luật buộc thôi việc chỉ áp dụng đối với công chức, viên chức bị phạt tù mà không được hưởng án treo.

Tuy nhiên, đối với công chức, viên chức giữ chức vụ quản lý thì sẽ thôi giữ chức vụ quản lý theo quy định nêu trên.

Không những không bị thôi chức vụ, ngày 2/12/2016 UBND huyện Thường Xuân còn đưa ra một quyết định gây sốc khi ký Quyết định 2576 bổ nhiệm ông Lâm Anh Tuấn giữ chức Trưởng phòng GD&ĐT huyện.

Việc bổ nhiệm người vừa mới đứng trước vành móng ngựa lên đứng đầu ngành giáo dục khiến dư luận tại huyện miền núi nghèo khó này bất bình. Nhiều người đặt câu hỏi, với tư cách của mình, ông Tuấn sẽ đưa nền giáo dục của huyện Thường Xuân về đâu?

Cũng cần nói thêm, khi còn giữ chức Giám đốc TT dạy nghề huyện, ông Tuấn cũng chịu không ít tai tiếng khi TT dạy nghề huyện Thường Xuân hoạt động bê bết.

Thế nhưng, khi những tranh cãi về việc lãng phí tiền bạc tại TT dạy nghề huyện Thường Xuân chưa có lời giải, những lùm xùm chưa được giải quyết ông Tuấn đã được chuyển công tác đến một vị trí cao hơn.

Việc bổ nhiệm ông Tuấn giữ chức vụ Trưởng phòng GD&ĐT khiến dư luận bức xúc

Tại sao một đảng viên như ông Tuấn tham gia đánh bạc lại chỉ bị “cảnh cáo” về mặt đảng? Với hình thức kỷ luật trên, ông Tuấn đủ điều kiện để được bổ nhiệm làm Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thường Xuân. Huyện Ủy, UBND huyện Thường Xuân có sai trong việc xử lý đảng viên vi phạm và bổ nhiệm ông Tuấn…?

(Còn nữa)

Đời sống Plus sẽ tiếp tục thông tin...

Nhóm PV
Theo Đời sống Plus