Thông thường, nhiều loại thực phẩm có thể là nguyên nhân khiến hơi thở có mùi và sẽ biến mất sau khi đánh răng. Tuy nhiên, nếu mùi đó tồn tại trong thời gian dài, bạn cần đề phòng các căn bệnh như sâu răng, viêm nướu do tác động của vi khuẩn.
Một số người có túi thừa thực quản là tổn thương dạng túi nhô ra bên ngoài tại điểm yếu thực quản. Khi chất đầy trong túi thừa, thức ăn sẽ thối rữa, sinh ra những mùi khó chịu. Ngoài ra, nguyên nhân khiến hơi thở bốc mùi còn do các bệnh đường ruột mạn tính, khó tiêu và một số bệnh viêm nhiễm do vi khuẩn HP.
Nếu bạn thấy có mùi ở mũi, có thể niêm mạc bị viêm do có các yếu tố độc hại bên ngoài xâm nhập. Bệnh viêm mũi teo cũng khiến mũi của một số bệnh nhân bốc mùi hôi, tanh. Dấu hiệu của bệnh là khi lấy hết vẩy, hốc mũi rộng, cuốn mũi teo, niêm mạc mũi nhợt, khô.
Viêm tai giữa xuất hiện do viêm nhiễm gây ra bởi vi khuẩn và là biến chứng của cảm cúm. Căn bệnh này phổ biến ở trẻ nhỏ. Triệu chứng của bệnh là đau tai, chảy dịch màu vàng và bốc mùi.
Mùi cơ thể xuất hiện trong quá trình trao đổi chất của cơ thể và liên quan tới các chất sinh ra từ hoạt động này. Đầu tiên là các chất lipid như bã nhờn, mồ hôi do da sản sinh ra.
Mồ hôi sinh ra từ một số khu vực trong cơ thể như bàn chân, nách, dưới ngực... Bản thân mồ hôi không có mùi nhưng khi kết hợp với vi khuẩn dưới da sẽ bốc mùi khó chịu. Ngoài ra, nếu nước tiểu có mùi lạ, bạn cần kiểm tra thận.