Thứ sáu, 26/04/2024 | 23:41
RSS

Hồi sinh đôi chân cho người phụ nữ đã trải qua 7 lần phẫu thuật

Thứ bảy, 25/07/2020, 11:41 (GMT+7)

Hơn 4 năm sau tai nạn giao thông, người phụ nữ đã trải qua 7 lần phẫu thuật điều trị, nhưng vẫn không tiến triển, đứng trước nguy cơ phải cắt bỏ 1/3 chân.

Hồi sinh đôi chân cho người phụ nữ đã trải qua 7 lần phẫu thuật

Các bác sĩ phẫu thuật ghép xương cho bệnh nhân. Ảnh: Dân Việt

Mới đây, Dân Việt dẫn nguồn tin từ Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết bệnh viện đã phẫu thuật ghép xương thành công cho nữ bệnh nhân đứng trước nguy cơ phải cắt 1/3 chân trái do tai nạn giao thông cách đây vài năm.

Theo đó, bệnh nhân là bà B.T.S. (sinh năm 1967, ở tỉnh Khánh Hòa). Cách đây 4 năm, trong một lần gánh hàng đi bán bà S. bị tai nạn giao thông Vụ tai nạn đã khiến bà S. bị gãy cả hai xương cẳng chân hai bên, bên trái bị gãy hở mất đoạn xương chày trái. Qua phẫu thuật xử trí vết thương, bà S. đã vượt qua nguy kịch, chân phải đã lành, nhưng chân trái vẫn đau nhức và ngắn hơn chân phải, khiến không đi lại được.

Hơn 4 năm qua, bà S.cùng người nhà đi điều trị nhiều bệnh viện lớn, và trải qua 7 lần phẫu thuật điều trị, nhưng vẫn không tiến triển. Chân trái đau nhức, xương chày trái của cô vẫn còn mất một đoạn khiến cô không đi lại được mà chỉ ngồi xe lăn, mọi sinh hoạt đều phải nhờ người khác hỗ trợ.

Hồi sinh đôi chân cho người phụ nữ đã trải qua 7 lần phẫu thuật

Bà S. tái khám sau 6 tháng phẫu thuật. Ảnh: GĐ&XH

Trước nguy cơ phải cắt bỏ tới 1/3 trên cẳng chân trái, bà S. rơi vào trạng thái trầm uất và tuyệt vọng. Người nhà đã đưa bà S. đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn khám. Tại đây, qua thăm khám và kết quả hình ảnh cho thấy chân trái của bà S, bị mất một đoạn xương chày trái khoảng 3cm.

Trao đổi với báo GĐ&XH, Ths.BS Nguyễn Tấm Lãm – Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Hoàn Mỹ cho biết trường hợp của bà S. là một ca bệnh khó. Bởi vì người bệnh đã trải qua nhiều cuộc mổ, phần cơ và mô mềm hư hỏng nặng. 

Do đó, phương pháp điều trị được các bác sĩ cân nhắc chọn lựa cho trường hợp này là hàn ghép xương chày vào xương mác. Theo đó, các bác sĩ tiến hành rạch da mặt trước cẳng chân trái và làm sạch ổ khớp giả. Tiếp đó, các bác sĩ bóc màng xương chỗ đỉnh hai đầu xương chày vào xương mác, ghép nhiều xương tự thân lấy từ xương chậu hai bên. 

Sau 3 giờ phẫu thuật, ca mổ được đánh giá là thành công, X- quang thẳng trục, chân không ngắn, xương ghép lấp đầy khoảng chày mác và đoạn xương chày bị mất. Sau 6 tháng phẫu thuật, chân người bệnh dần dần hồi phục và kết quả cho thấy xương người bệnh lành chắc. Hiện tại, bà S. đã có thể tự đứng, đi và lao động trở lại gần như không hạn chế.

Theo Ths.BS Lãm, xương gãy trong thời gian đầu chỉ là một tổn thương cục bộ, quá trình liền xương là một quá trình phức tạp liên quan đến nhiều yếu tố. Ổ xương gãy trên 6 tháng không liền xương sẽ tạo thành khớp giả làm người bệnh đau đớn và không đi lại được. 

Việc điều trị gãy xương nhằm mục đích phục hồi hình thái giải phẫu của xương bị gãy được hoàn hảo, từ đó phục hồi chức năng hoàn toàn cho xương gãy, không để lại các di chứng. Trường hợp sau gãy xương nếu nạn nhân không được chẩn đoán kịp thời và điều trị đúng phương pháp sẽ để lại các di chứng làm ảnh hưởng chức năng vận động, sinh hoạt, lao động, làm việc và học tập.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN