Thứ tư, 22/01/2025 | 23:02
RSS

Bún bẩn trở thành bún mới chỉ trong tích tắc

Thứ bảy, 22/07/2017, 08:34 (GMT+7)

Từ những cọng bún ôi thiu, qua bàn tay "thần thánh" của người bán, chúng ngay lập tức trở nên ngon mắt nhờ hóa chất.

Bún là nguyên liệu được khá nhiều bà nội trợ ưa thích để nấu cho gia đình. Đây cũng là món ăn đường phố được nhiều người lựa chọn. Thế nhưng, một đoạn clip của báo Thanh niên đưa ra đã khiến nhiều người phải kinh hoàng, sợ hãi.

Theo đọn clip này thì cơ sở sản xuất bún tươi này nằm trên đường số 4, phường 4, quận 8, TP.HCM Cơ sở này hoạt động sản xuất từ 12 giờ trưa đến 3 giờ sáng hôm sau. 

bún bẩn

Nhờ bàn tay "thần thánh" mà bún bẩn trở thành bún mới trong tích tắc. Ảnh: Thanh Niên

Hầu hết các công nhân ở đây khi làm việc đều mình trần, tay không và có thói quen hút thuốc xong ném tàn, khạc nhổ ngay trên sàn nhà. Do tiếp xúc nhiều với nước, hóa chất, tay chân nhiều công nhân bị lở loét, nhưng họ chẳng ngần ngại vốc bột, bún thành phẩm cho vào bịch.

Chưa hết, trong các công đoạn sản xuất bún thường vương vãi nguyên liệu ra sàn, sau đó được quét thu gom lại cho vào máy xay bột để tiếp tục làm bún. PV khi lần đầu được phân công quét thu gom bột, bún rơi vãi dưới sàn nhà, định hốt đem đổ liền bị con trai bà chủ quát: “Để đó lát nữa đổ vào máy đánh lại!”.

Được biết, cơ sở này thường xuyên thu gom bún ế, bún thiu về tái chế thành bún mới.

1 giờ 30 phút sáng 28/6, chiếc xe tải màu trắng mang biển số 57M-18… lấy bún từ lò của bà Hoa chạy đến giữa cầu Chánh Hưng thì quẹo trái, qua đường Xóm Củi, rồi rẽ vào đường Cần Giuộc (P.12, Q.8), dừng lại trước hẻm 137. Hai thanh niên nhanh chóng vận chuyển 40 giỏ bún (mỗi giỏ 30-40 kg) vào sâu trong hẻm giao cho những người buôn bán tại khu vực chợ Xóm Củi vào sáng sớm.

"Công nghệ" dùng hóa chất để làm mới bún. Nguồn: Thanh niên

Sau đó, chiếc xe tải tiếp tục chạy về chợ Phú Xuân (H.Nhà Bè) bỏ mối 13 giỏ bún ở đây, rồi quay đầu chạy về chợ Tân Mỹ (Q.7) tiếp tục bỏ nốt số bún trên xe trước khi chạy thẳng về lò bún của bà Hoa để tiếp tục lấy hàng đi giao.

2 giờ sáng, xe cộ tấp nập ra vào nhà bà Hoa để lấy bún, vận chuyển đưa đến các điểm tiêu thụ. 

Ngoài xe ba gác, xe tải vận chuyển bún đi bỏ các mối, mỗi đêm còn có hàng chục lượt xe máy của các tiểu thương bán ở các chợ gần đó đến nhà bà Hoa lấy bún về bán.

Tại chợ Tân Quy (Q.7), một người bán bún lấy mối của bà Hoa cho biết: “Bán bún đâu sợ ế, vì có ế cũng trả lại cho lò bún để họ nấu lại. Các xe bỏ bún cứ khuya hôm trước đến bỏ bún cho chúng tôi, khuya hôm sau họ quay lại đưa bún mới và thu bún cũ về. Vì vậy chúng tôi cứ lấy thoải mái bán mà không lo bị ế”.

Để bún cũ, bún ế sau khi được tái chế không bị hôi mà còn có mùi thơm, cơ sở dùng một loại dung dịch màu trắng trộn vào. Loại dung dịch này được bà Hoa bật mí mua ở chợ Kim Biên, Q.5.

Chia sẻ của chủ cơ sở khiến mọi người rùng mình và nghĩ đến lời một công nhân “đàn anh” dặn dò: “Làm ở đây, mày chớ dại mà ăn bún! Đói thì lấy mì mà ăn. Bọn tao hằng ngày không dám ăn dù chỉ một cọng. Bà chủ bảo lấy bún ăn sáng nhưng bọn tao thà ăn mì tôm sống còn hơn!”.

công nhân làm bún

Công nhân làm bún tay trần, cởi trần. Ảnh: Thanh Niên

Tại cơ sở sản xuất nhầy nhụa nước, bún tươi vương vãi khắp dưới sàn nhà.Khu vực ngâm gạo và chứa nguyên liệu bột (xay từ gạo) thì ẩm thấp, nhầy nhụa nước. Bồn chứa nước dùng ngâm gạo để trống, không có nắp che đậy, trong khi theo chủ cơ sở gạo phải ngâm 3-4 ngày mới đem xay bột để làm bún.

Gạo sau khi xay thành bột được cho vào bao để ngổn ngang dưới đất, không đảm bảo vệ sinh vì những bao bột sẽ bị ngấm nước bẩn từ sàn nhà. 

Cũng theo thông tin từ Thanh Niên thì chủ cơ sơ không xuất trình được hóa đơn, chứng từ mua bán của 7 kg hóa chất dạng bột trắng mịn; một số bột màu vàng chanh, màu trắng dạng cốm và dung dịch không màu, có mùi nhưng không rõ loại.

Sau khi thông tin này được đăng tải nhiều người bàng hoàng không ngờ món ăn dân dã hàng ngày lại có thể trở thành "lưỡi hái tử thần" chỉ trong tích tắc.

 

Q.N (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN