Hiện nay, hàng giả, hàng nhái được bày bán tràn lan trên thị trường và trở thành một vấn nạn cho toàn xã hội không chỉ thuốc chữa bệnh, các loại thực phẩm chức năng bị làm giả, mà ngay cả các thiết bị y tế sử dụng để chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân cũng ngang nhiên bị làm giả, làm nhái.
Chia sẻ trên báo Sài gòn giải phóng, TS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM cũng cho biết, năm 2016, thanh tra sở đã phát hiện hàng chục cơ sở, DN có sai phạm về sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng, dược liệu giả, nhái, kém chất lượng hoặc có chất cấm. Điều đáng nói, tình trạng các sản phẩm y tế phục vụ điều trị, hỗ trợ điều trị kém chất lượng, làm giả ngày càng tinh vi hơn. Thậm chí làm giả cả phiếu kiểm nghiệm chất lượng, phiếu công bố chất lượng sản phẩm để qua mặt cơ quan chức năng.
Còn theo thông tin của báo Sức khỏe & Đời sống, trong 10 tháng đầu năm 2016, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã thực hiện thanh tra, phát hiện vi phạm và xử lý 88 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng với tổng số tiền phạt là 5,4 tỷ đồng. Trong đó xử lý 52 cơ sở vi phạm về quảng cáo (chiếm 59,1%) với tổng số tiền là 1,02 tỷ. Các cơ sở khác có các hành vi vi phạm như kiểm nghiệm định kỳ, chất lượng sản phẩm, công bố, ghi nhãn, sử dụng phiếu kiểm nghiệm giả với tổng số tiền 4,4 tỷ đồng, thu hồi 12 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, tạm dừng lưu thông 18 cơ sở vi phạm.
Sản phẩm y tế giả có thể khiến người bệnh mất mạng
Theo PGS. Nguyễn Đăng Hòa - Hiệu trưởng Trường đại học Dược Hà Nội thì thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng là khi sử dụng cả bác sĩ và người bệnh gặp thất bại trong điều trị, tăng độc tính, tăng tình trạng kháng thuốc, thậm chí gây tử vong.
Ông cũng đồng thời đưa ra lời cảnh báo, nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/10.000 - 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lên tới 1/10. Trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc.
Dùng thực phẩm chức năng giả có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Nguồn: VTC
Phản ứng dị ứng và biểu hiện rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy là các biểu hiện của tác dụng phụ phổ biến. Các kim loại nặng và các chất độc có thể gây triệu chứng nhiễm độc bao gồm thay đổi chức năng tim, biến đổi nồng độ đường huyết, khó thở hay suy giảm chức năng của các cơ quan trọng của cơ thể.
Thuốc giả có thể gây chết người, do thuốc không chứa dược chất hoặc không đủ hàm lượng, nên khi dùng thuốc giả người dùng thuốc sẽ không những không khỏi bệnh mà bệnh càng nặng hơn. Nguy hại hơn khi thuốc giả chứa sai hoạt chất mà hoạt chất độc hại có thể khiến người bệnh tử vong.
Chia sẻ trên tờ Trí thức trẻ, bác sĩ Nguyễn Văn Đoàn – Giám đốc Trung tâm miễn dịch – Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm, khi sử dụng phải thuốc giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người sử dụng mà còn vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị để cứu sống người bệnh.
Thuốc giả ảnh hưởng không tốt tới người sử dụng. Ảnh: VietQ
Ngoài ra, khi uống phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, người bệnh hay gặp phải tình trạng dị ứng, phản ứng thuốc, có thể xuất hiện sau khi dùng thuốc 15- 30 phút hoặc một vài ngày. Các phản ứng dị ứng có nhiều cấp độ khác nhau, từ nhẹ như buồn nôn, ói mửa cho đến các trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Ngoài thuốc giả, việc sử dụng nhầm các thiết bị y tế nhái, giả sẽ khiến cho các bác sĩ có thể chẩn đoán sai trong lúc khám bệnh, gây nguy hại nghiêm trọng đến tính mạng của nhiều người.