Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:49
RSS

Chuyên gia vạch rõ hiểu lầm chết người về "thủ phạm" gây bệnh sốt xuất huyết

Thứ tư, 26/07/2017, 15:58 (GMT+7)

Số người mắc sốt xuất huyết đang gia tăng, số mắc trải rộng ở 61 tỉnh thành trong khi chưa có vắc xin phòng bệnh khiến nhiều người lo lắng mình sẽ nhiễm bệnh.

Ngày 26/7, tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về dịch bệnh, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu đã cho biết những thông tin về những đặc tính của loài muỗi vằn - muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết - để người dân biết cách phòng tránh bệnh hiệu quả hơn.

Theo PGS Trần Đắc Phu, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra với 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp, nên người dân mắc bệnh sốt xuất huyết rồi vẫn có thể mắc tiếp các tuýp khác.

Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là muỗi Aedes aegypti. 

Sot xuat huyet sốt xuất huyết

Muỗi vằn là thủ phạm truyền bệnh sốt xuất huyết. Ảnh Internet

Nhiều người thường có thói quen chỉ phòng chống muỗi đốt vào ban đêm. Tuy nhiên trên thực tế, muỗi truyền sốt xuất huyết thường đốt người vào ban ngày, nhất là vào sáng sớm và chập tối.

PGS Phu nhấn mạnh: "Mọi người phải hiểu được đặc điểm của muỗi gây bệnh. Muỗi truyền bệnh sốt rét thường đậu trên tường, muỗi gây viêm não đậu ở chuồng trâu bò, đốt người vào buổi tối. Trong khi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chỉ đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chập tối".

Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết cũng thường trú đậu ở các góc tối, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Loài muỗi này chỉ đẻ trong dụng cụ chứa nước sạch, trong. Do đó, nếu người dân quan niệm muỗi đẻ ở nơi bẩn, cống rãnh, chỉ chăm chăm khơi thông cống rãnh hôi thối, tù đọng thì hoàn toàn không phòng được bệnh sốt xuất huyết.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết: "Vừa rồi qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện nhiều dụng cụ có thể chứa nước, đọng nước mưa khiến muỗi sốt xuất huyết đẻ trứng mà người dân chủ quan, không ngờ tới. Ví dụ như tại miền Nam ở các bàn thờ hiên, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều lọ hoa, các ly nhỏ chứa nước có bọ gậy.

Kiểm tra ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng đã phát hiện ra những bàn thờ ngoài trời như vậy ở đình chùa hoặc phi đựng cát cứu hỏa chỉ có một nửa là cát, khi mưa xuống đọng nước cũng sinh ra loăng quăng.

Một ống nước cắm cờ trên tường, đọng nước cũng có bọ gậy. Ở các khu đô thị lớn, có rất nhiều “nôi” cho muỗi đẻ trứng như chậu hoa cây cảnh, bể nước trên nóc nhà thấp tầng, lốp xe, vỏ dừa, vỏ hộp".

8 điều bạn phải biết về sốt xuất huyết

Diệp Lâm (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN