Thứ hai, 29/04/2024 | 05:33
RSS

Các mẹo trị nấc cụt cho trẻ mẹ nhất định phải biết

Thứ tư, 26/07/2017, 10:49 (GMT+7)

Sinh ra một đứa trẻ, nhất là ở lần làm mẹ đầu tiên, mọi “bất thường” của đứa trẻ như húng hắng ho, màu phân thay đổi, nhịp thở có vẻ nhanh, nấc cụt... đều khiến mẹ băn khoăn, lo lắng.

Có những trẻ nằm chơi vặn mình, đạp chân tay một lúc là bị nấc; một ngày có khi nấc nhiều lần khiến mẹ không dám để bé nằm chơi mà toàn phải bế. Bình luận về hiện tượng này ở trẻ nhỏ, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương cho biết thực ra trẻ dưới 1 tuổi rất hay bị nấc, đặc biệt là trẻ sơ sinh.

Theo bà Dinh, thực tế chỉ cần thay đổi tư thế, sau khi ăn, nóng hoặc lạnh cũng có thể gây ra hiện tượng nấc cụt ở trẻ. Nguyên nhân của hiện tượng này là do co thắt không tự chủ và ngắt quãng của cơ hoành, làm cho khí hít vào bị ngưng đột ngột, thanh môn bất ngờ đóng kín lại.

Nấc thường kéo dài vài phút và có thể xảy ra vài lần trong một ngày. Nấc là phản xạ của thần kinh phế vị được hình thành từ trong bào thai để chuẩn bị vận hành các cơ hô hấp cho việc thở ngay sau khi trẻ được sinh ra.

Nấc

Triệu chứng nấc ở trẻ là phản xạ của thần kinh phế vị được hình thành từ trong bào thai. Ảnh minh họa

Mọi trẻ sơ sinh khỏe mạnh đều có thể bị nấc vào bất cứ lúc nào, nhất là sau sinh và giảm dần sau 1 tuổi. Nếu trẻ bị nấc mỗi ngày vài lần, mỗi lần khoảng 3 phút là bình thường, không cần khám và điều trị gì bởi dần dần tình trạng này sẽ hết.

Để giảm nấc, không nên cho trẻ ăn khi quá no hoặc quá đói. Khi cho bé bú bằng bình, cần chú ý không để trẻ bú quá nhanh làm dạ dày giãn khiến chứa nhiều hơi. Sau khi ăn nên bế trẻ ở tư thế đầu cao khoảng 10 phút.

Nếu bé bị nấc với mật độ dày và kéo dài, có thể cắt cơn bằng cách cho bé uống một vài thìa nước hay bú mẹ, đồng thời bế bé đứng thẳng, đỡ đầu và lưng bé, để cằm bé tỳ vào vai mẹ sau đó vuốt lưng hoặc vỗ nhẹ để bé ợ hơi. Cũng có thể dùng ngón tay ấn cùng lúc vào 2 nắp tai trẻ vài phút.  

Nac

Không nên cho bé bú quá no hoặc để bé quá đói để tránh nấc cụt. Ảnh minh họa

Trường hợp em bé bị nấc liên tục trong 3 giờ đồng hồ thì nên đưa tới bác sĩ khám và tìm nguyên nhân nấc để được can thiệp sớm.

Những điều kỳ diệu trong 12 tháng đầu đời của trẻ mà 90% ba mẹ không biết

Hoài Hương
Theo Đời sống Plus/GĐVN