Bà Sheila Miyoshi Jager, hiện là giáo sư ngành nhân chủng học tại Đại học Oberlin (Mỹ). Mang trong mình dòng máu Hà Lan – Nhật Bản Jager rất phù hợp với thế giới đa văn hóa của Obama, khiến họ trở thành "cặp đôi trời sinh".
Trao đổi với tác giả Garrow của cuốn tiểu sử về cuộc đời của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Jager nói rằng bà sớm nhận ra Obama là một người "có nhu cầu sâu sắc được yêu thương và ngưỡng mộ".
Bà mô tả quãng thời gian bên nhau giữa hai người như một kỷ niệm xa xôi, một "hòn đảo của riêng chúng tôi" mà ở đó Obama "phân chia rõ ràng giữa công việc và gia đình". Hai người đã tới gặp gia đình hai bên và sớm bàn tới chuyện hôn nhân.
Chân dung bà Sheila Miyoshi Jager. Ảnh: Toronto Star
"Mùa đông năm 1986, khi tới thăm bố mẹ tôi, ông ấy đã ngỏ lời cầu hôn tôi", Jager kể với Garrow. Nhưng mẹ Obama kiên quyết phản đối cuộc hôn nhân, không phải vì lý do chủng tộc, mà vì lo ngại việc kết hôn sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của ông. Mẹ ông cho rằng Jager, người ít hơn Obama hai tuổi, còn quá trẻ để lập gia đình. "Chưa được đâu anh", Jager trả lời Obama. Nhưng sau đó họ vẫn ở bên nhau.
Đến đầu năm 1987, khi Obama 25 tuổi, Jager cảm nhận được sự thay đổi sâu sắc ở ông. "Ông ấy đột nhiên trở nên rất tham vọng", bà nói với Garrow. "Tôi nhớ rất rõ thời điểm xảy ra sự thay đổi này, tôi cũng nhớ rằng đúng dịp chúng tôi kỷ niệm một năm yêu nhau, ông ấy đã hướng tới mục tiêu trở thành tổng thống".
Garrow viết rằng Obama tin ông đang nghe thấy "tiếng gọi" của số phận và tham vọng đó gắn liền với nhận thức rằng để đạt được mục tiêu trở thành Tổng thống, ông phải xác định thành phần của mình là người Mỹ gốc Phi.
Nhưng để làm được điều đó, ông buộc phải đánh đổi, đặc biệt là trong việc kết hôn với một người phụ nữ không phải gốc Phi. Đã có nhiều tấm gương trong việc này, chẳng hạn như Richard H. Newhouse Jr., thượng nghị sĩ người Mỹ gốc Phi nổi tiếng của bang Illinois, người kết hôn với một phụ nữ da trắng và thường xuyên bị xì xào rằng ông "nói về người da đen nhưng ngủ với người da trắng".
Sự thay đổi trong nhận thức của Obama khiến cặp đôi thường xuyên xích mích. Việc kết hôn bị trì hoãn, và mối quan hệ của họ dần trở nên xa cách.
Vào năm 1988, chỉ vài ngày trước khi Obama lên đường tới nhập học tại Trường Luật Harvard, ông đã một lần nữa cầu hôn người yêu, nhưng lần này, theo bà Jager, chỉ là một sự níu kéo mối quan hệ đang rơi vào khủng hoảng chứ không xuất phát từ niềm tin vào một tương lai hạnh phúc bên nhau.
Ông Obama thời trẻ. Ảnh: Internet
Ở thời điểm đó, bà Jager cũng có những dự định theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu cho riêng mình tại Hàn Quốc, và bà cảm thấy bực tức khi Obama không để tâm tới nguyện vọng cá nhân này của bà. Cãi vã chồng chất cãi vã, và rồi cặp đôi đường ai nấy đi.
Thế nhưng, bà Jager không hoàn toàn bước ra khỏi cuộc đời ông Obama kể cả sau cuộc chia ly đó. Sau này, Sheila Miyoshi Jager cũng tới Harvard để tham gia giảng dạy.
Trong những năm 1990 - 1991, ngay cả khi Obama đã bắt đầu mối quan hệ sâu sắc và nghiêm túc với Michelle Robinson - Phu nhân Tổng thống sau này, ông vẫn gặp gỡ bà Jager dù không thường xuyên.
Tuy nhiên, sau khi kết hôn với Michelle vào năm 1992, ông cũng hạn chế liên lạc với bà Jager, chỉ trừ một số bức thư hỏi thăm vào dịp hệ trọng (ví dụ như sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001) và cuộc gọi điện khi Obama nghe nói có một nhà văn viết tiểu sử đã liên lạc với bà.
Theo Washington Post, cuốn tiểu sử "Rising Star" của Garrow đã phần nào khắc họa được sự lựa chọn khó khăn của Obama trước tình cảm cá nhân và tham vọng chính trị, trước khi ông quyết định theo đuổi mục tiêu của đời mình và trở thành Tổng thống Mỹ vào năm 2008. "Để tôi luyện được ý chí sắt đá của bản thân, chiếc khuôn nung phải rỗng ở chính giữa", Garrow kết luận về định mệnh của Obama.