Thứ bảy, 18/01/2025 | 14:50
RSS

Hay bị chảy nước mũi khi thời tiết thay đổi: Phòng ngừa thế nào?

Thứ ba, 14/04/2020, 09:45 (GMT+7)

Thời tiết thay đổi là cơ hội khiến cho nhiều căn bệnh bùng phát, trong đó có các bệnh đường hô hấp. Chảy nước mũi là một trong số những triệu chứng phổ biến của các căn bệnh này. Làm sao để hạn chế và ngăn ngừa tình trạng này?

Nguyên nhân gây chảy nước mũi

Hốc mũi được lót một lớp niêm mạc, trên bề mặt niêm mạc lại được bao phủ một lớp thảm nhầy có chức năng giữ bụi bẩn và các loại vi khuẩn gây hại. Một khi lớp mô trong hốc mũi bị kích thích bởi các yếu tố như hóa chất, khối u, dị vật… làm cho tuyến chế tiết nằm trong lớp biểu mô hoạt động mạnh hơn khiến cho dịch tiết nhiều hơn bình thường và tạo nên hiện tượng chảy nước mũi.

Hay bị chảy nước mũi không chỉ khiến người bệnh thấy khó chịu, khó thở mà còn gây ảnh hưởng đến giao tiếp.

Hay bị chảy nước mũi
Chảy nước mũi gây ra rất nhiều bất tiện

Tại sao lại hay bị chảy nước mũi khi thời tiết thay đổi?

Giao mùa, nắng mưa thất thường, thay đổi thời tiết tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus gia tăng trong khi cơ thể chưa kịp thích nghi với sự thay đổi đó sẽ dẫn đến các triệu chứng về đường hô hấp như viêm mũi, sổ mũi, hắt hơi, và đặc biệt là chảy nước mũi.

Một nghiên cứu công bố bởi các chuyên gia hàng đầu và tai mũi họng cho rằng có đến 96% người khảo sát từng bị chảy nước mũi khi thời tiết trở lạnh, trong đó có đến 48% ở mức độ vừa và nặng. Bác sĩ Murray Grossan tại Viện xoang và sức khỏe Grossan (Mỹ) cho rằng:  “Khi chất nhầy được tiết ra quá nhiều, nó sẽ chảy ra ngoài và đây là phản ứng cần thiết để bảo vệ cơ thể khi thời tiết thay đổi”.

Ngoài ra, khi giao mùa, đặc biệt là mùa phấn hoa nhiều cũng dễ khiến người bị viêm mũi dị ứng hắt hơi, chảy nước mũi cả ngày. 

Làm sao để ngăn ngừa chảy nước mũi khi thay đổi thời tiết?

Giữ cho cơ thể luôn ấm áp

Không khí khô hoặc lạnh khi thời tiết chuyển mùa là những nguyên nhân phổ biến gây nên chảy nước mũi. Vì vậy, cần phải giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là những vùng quan trọng như cổ, ngực và mũi. Mát xa vùng mũi khi thức dậy vào buổi sáng bằng cách dùng tay xoa xoa, thở ra hít vào trong vài phút sẽ giúp vùng mũi ấm áp hơn.

Luôn tắm bằng nước ấm ở nơi kín gió, lau cơ thể nhanh chóng rồi mặc quần áo ngay để hạn chế bị nhiễm cảm lạnh.

Sử dụng các loại thảo dược như kim ngân hoa, thương nhĩ tử, bạc hà,… để làm ấm cơ thể, tăng sức đề kháng, phòng chảy nước mũi khi thay đổi thời tiết.

Hay bị chảy nước mũi
Mát xa vùng mũi khi thức dậy vào buổi sáng sẽ giúp vùng mũi ấm áp hơn

Chế độ dinh dưỡng phù hợp

Nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để tăng sức đề kháng cho cơ thể như kẽm, các lọai vitamin như A, C, omega 3,… để tăng cường sức đề kháng, khả năng chống chọi với vi khuẩn gây bệnh, từ đó phòng ngừa chảy nước mũi.

Hay bị chảy nước mũi
Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để tăng sức đề kháng cho cơ thể

Xịt mũi, rửa mũi bằng nước muối sinh lý

Đây là biện pháp được các bác sĩ tai mũi họng đánh giá cao đặc biệt là với người bị viêm mũi dị ứng hay viêm xoang. Xịt mũi, rửa mũi bằng nước muối sinh lý thường xuyên sẽ giúp rửa trôi bụi bẩn, phấn hoa, virus, thậm chí cả vi khuẩn trong hốc mũi. Nhờ đó sẽ giúp phòng ngừa chảy nước mũi khi thời tiết thay đổi. 

Với trẻ nhỏ, không nên dùng bình rửa có áp lực mạnh tạo thành luồng, bởi có thể sẽ gây đau tai, viêm tai. Theo các bác sĩ, chỉ nên dùng bình xịt mũi tạo áp lực nhẹ như phun sương để xịt mũi cho trẻ. Khi dịch mũi mềm thì hướng dẫn trẻ xì mũi ra hoặc dùng dụng cụ hút mũi chuyên dụng. 

Với người lớn, nếu biết cách thì có thể rửa mũi thường xuyên. Nếu không biết cách rửa mũi thì nên hạn chế, chỉ nên xịt mũi bằng bình phun sương áp lực nhẹ là đủ. 

Trong các loại dung dịch xịt mũi, các chuyên gia cũng khuyến cao nên chọn dung dịch chứa nước muối biển và các nguyên tố vi lượng có nồng độ tối ưu với sức khỏe niêm mạc mũi, để vừa làm sạch lại giúp sát khuẩn, làm se, tốt cho mũi. 

Phi Long
Theo Đời sống Plus/GĐVN