Thứ năm, 25/04/2024 | 20:01
RSS

Trẻ chảy nước mũi kèm đau đầu là viêm đường hô hấp hay viêm xoang?

Thứ năm, 31/08/2017, 06:43 (GMT+7)

Vào mùa thu đông, trẻ em dễ bị nhiễm lạnh dẫn đến ho, sổ mũi, mệt mỏi, đau đầu. Làm thế nào để biết đó là viêm đường hô hấp trên hay viêm xoang?

Viêm xoang

Hình ảnh viêm xoang. Ảnh minh họa: Internet

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, Nguyên Giám đốc BV Tai mũi họng Trung ương cho biết, viêm đường hô hấp trên cấp thường do virus  với đặc điểm bệnh tiến triển rầm rộ; trẻ ho, sốt nôn trớ, chảy nước mũi, hắt hơi... nhưng chỉ kéo dài trung bình 5-7 ngày là hết.

Nhưng với viêm xoang, sau 5-7 ngày trẻ vẫn còn sốt, người mệt mỏi, chảy nước mũi màu vàng, xanh  đặc, có mùi hôi; trẻ cũng hay bị ho, hơi thở hôi và dễ nôn oẹ. Trẻ nhỏ viêm xoang thường hay quấy khóc, thở ngáy, ngủ không ngon giấc, mệt mỏi kèm theo hốc mắt có quầng thâm.

Trẻ lớn hơn nếu bị viêm xoang thường hay cáu bẳn do bị đau đầu, nặng mặt, dễ buồn ngủ. Đôi khi trong đợt viêm cấp, mặt trước của má trẻ bị sưng nề đỏ, ấn đau hoặc có biểu hiện sưng nề.

Ở trường hợp viêm xoang, khi bác sĩ khám sẽ thấy tình trạng niêm mạc mũi bị phù nề, xuất tiết nhiều dịch, khe giữa đọng nhiều mủ vàng xanh. Một số trường hợp viêm mũi xoang lâu ngày dẫn tới hình thành polip mũi, tổ chức V.A ở trần vòm trong tình trạng quá phát và đọng mủ...

Trẻ bị viêm xoang thường được điều trị nội khoa là chính (từ 4-6 tuần) với kháng sinh toàn thân phổ rộng  kết hợp với thuốc chống viêm, giảm phù nề, chống dị ứng. Tại chỗ dùng các thuốc nhỏ mũi nhóm co mạch, chống viêm, giảm xuất tiết để làm thông thoáng lỗ dẫn lưu xoang. 

Chỉ định phẫu thuật chỉ đặt ra khi điều trị nội khoa sau 6 tháng thất bại hoặc có những biến chứng của viêm xoang theo chỉ định chặt chẽ của các thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng.

 

Chữa viêm xoang bằng gừng. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

 

Hoài Nguyễn
Theo Đời sống Plus/GĐVN