Thứ sáu, 22/11/2024 | 08:51
RSS

Hạnh phúc mỉm cười với người phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung và hành trình 10 năm tìm con không mệt mỏi

Chủ nhật, 17/06/2018, 10:00 (GMT+7)

Người phụ nữ ấy không đếm được hết số lần mình vào Nam ra Bắc đi thăm khám, điều trị vô sinh, hiếm muôn tại các cơ sở trong nước thậm chí nước ngoài nhưng con thì tìm hoài không thấy.

Chị Nguyệt Q. (Hà Nội) lập gia đình từ năm 2006 và sau 2 năm chưa thấy có tin vui, chị đi khám nhiều nơi thì nhận được kết quả nguyên nhân vô sinh hiếm muộn củ vợ chồng chị là do chị bị lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng.

Vợ chồng chị đã không ít lần lặn lội ngược xuôi, điều trị vô sinh hiếm muộn tại nhiều cơ sở uy tín trên cả nước thậm chí đã từng 2 lần sang Thái Lan để "tìm con".

Tổng cộng anh chị đã 10 lần thử thụ tinh ống nghiệm ở cả Việt Nam và nước ngoài, nhưng không thành công. Hy vọng được làm mẹ đối với chị Quyên tưởng như đã dập tắt.

Thế nhưng, với mong muốn làm mẹ mãnh liệt, chị Quyên không có ý nghĩ nản lòng. 

Chia sẻ với PV Đời sống Plus, chị Q cho biết, trong những năm tháng đó không thể tránh khỏi nỗi buồn nhưng chị chưa bao giờ nản lòng và mất niềm tin vì với chị mất niềm tin thì sẽ không thể có được kết quả tốt đẹp.

Người phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung và hành trình 10 năm tìm con
Chị Q. bên cậu con trai bé bỏng của mình

Đền đáp lại những cố gắng ấy, sau10 năm kiên trì theo đuổi hành trình "tìm con yêu" cuối cùng vợ chồng chị Q. mới thỏa nguyện ước mơ được làm cha, làm mẹ.

Ths.Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã - Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Bưu điện - Người trực tiếp điều trị cho chị Q. cho biết chị Q. bị lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng.

Theo BS Nhã, lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng có khả năng gây vô sinh cao thông qua các thay đổi cấu trúc giải phẫu vùng chậu, ảnh hưởng chức năng phóng noãn.

Mỗi tháng phụ nữ đều có phóng noãn (rụng trứng) nhưng cơ hội có thai và sinh em bé mỗi tháng của một cặp vợ chồng bình thường, trung bình chỉ vào khoảng 20-25%, do nhiều lý do và sẽ giảm dần theo tuổi

Ở những trường hợp lạc nội mạc tử cung , khả năng có con giảm chỉ còn vào khoảng 2%-10%.

Khi thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), lạc nội mạc tử cung có thể có nhiều ảnh hưởng lên kết quả thụ tinh trong ống nghiệm như: theo dõi kích thích buồng trứng khó hơn, giảm đáp ứng buồng trứng, giảm tỉ lệ thụ tinh, chất lượng phôi kém, giảm tỉ lệ làm tổ của phôi.

Thực tế cho thấy, điều trị lạc nội mạc tử cung nói chung và lạc nội mạc tử cung gây hiếm muộn nói riêng còn nhiều tranh cãi, vẫn chưa có giải pháp nào triệt để để có hiệu quả cao nhất, dù là điều trị nội khoa, ngọai khoa, hỗ trợ sinh sản, hay phối hợp các điều trị với nhau. 

Người phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung và hành trình 10 năm tìm con 2
Em bé kháu kỉnh, đáng yêu, thành quả của hơn 10 năm kiên trì "tìm con" của vợ chồng chị Q.

Khó khăn như vậy nhưng với tinh thần lạc quan, kiên trì điều trị của người bệnh và sự nỗ lực từ phía các bác sĩ, cuối cùng sau 4 chu kỳ điều trị, đầu năm 2018 này chị Nguyệt Q. đã đón con yêu chào đời trong niềm vui, niềm hạnh phúc khó có thể diễn tả bằng lời.

Chia sẻ với các bệnh nhân vô sinh hiếm muộn, chị Q. cho biết: niềm tin, sự kiên trì và lạc quan chính là những yếu tố rất quan trọng. Bên cạnh đó là sự hết lòng, tận tâm của các bác sĩ với bệnh nhân đã giúp vợ chồng chị đón nhận hạnh phúc quá đỗi lớn lao ngày hôm nay.

Còn trong ấn tượng của bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, chị Q. là một phụ nữ rất kiên cường và đặc biệt vô cùng lạc quan. Với những ca bệnh rất khó như trường hợp của chị, bác sĩ chỉ biết động viên chị cố gắng. Và khi chị Q đậu được 1 thai và sinh hạ một em bé kháu khỉnh, khỏe mạnh, bên cạnh niềm hạnh phúc của vợ chồng chị Q, bác sĩ Nhã cho biết chính mình và tập thể y bác sĩ Trung tâm hỗ trợ sinh sản - BV Bưu điện cũng hạnh phúc không kém.


Xem thêm Clip: Mẹ 8x rèn cho con cầm thìa xúc ăn từ 9 tháng tuổi

Lan Phương
Theo Đời sống Plus/GĐVN