Một cặp vợ chồng hiếm muộn nhiều năm ở Vĩnh Phúc với người chồng bị xuất tinh ngược vừa được điều trị thành công tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Đàn ông bị hiện tượng xuất tinh ngược dòng là hiếm gặp, tuy có thể không ảnh hưởng đến chất lượng tình dục nhưng lại là nguyên nhân gây hiếm muộn khó chẩn đoán cho các cặp vợ chồng sau nhiều năm không thể có con.
Vợ chồng anh Hoàng Văn M. (37 tuổi) và chị Nguyễn Thị A. (34 tuổi) ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những cặp như vậy.
Anh M. chia sẻ, anh chị lấy nhau đã hơn 10 năm, dù rất mong muốn có mụn con để hai bên nội - ngoại có thêm cháu, nhưng càng chờ càng “bặt vô âm tín”. Điều đáng nói, sau rất nhiều lần đi kiểm tra, thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết, cả hai vợ chồng đều có kết quả bình thường, nhưng vẫn không thể nào có thai được.
Sau đó một thời gian, anh M. gặp tai nạn lao động. Anh cũng không ngờ, tai nạn ấy lại ảnh hưởng đến khả năng làm bố của mình.
“Tôi cảm thấy mọi thứ bình thường, kể cả khi quan hệ vợ chồng, đi khám thì bác sĩ nói không vấn đề gì, nhưng lạ một điều là không thể có con. Năm 2013, tôi có đi làm thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách tiêm tinh trùng trực tiếp vào bào tương noãn (ICSI) 01 lần tại một Bệnh viện chuyên khoa ở Hà Nội và thu được 8 phôi, nhưng cả 2 lần chuyển phôi đông lạnh đều không thành công.
Mất tiền của thì đã đành nhưng những lần thất bại đó khiến cả hai vợ chồng tôi thật sự nản chí, gần như không còn hy vọng. Từ đó cho đến hết năm 2016, chúng tôi chẳng có ý định chạy chữa gì. Nhưng được gia đình hai bên động viên, vợ chồng tôi lại quyết tâm đi khám tìm nguyên nhân và “thử kiếm con” thêm một lần nữa”, anh M. chia sẻ.
Lần này, vợ chồng anh M. đã đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Tại đây, qua khai thác chi tiết bệnh sử và khám lâm sàng, các bác sĩ cho biết nguyên nhân khiến quá trình “tìm con” của hai vợ chồng gặp khó khăn là do anh M. bị xuất tinh ngược dòng sau một tai nạn lao động từ cách đây đã khá lâu.
Các kỹ thuật hiện đại sẽ giúp cho các cặp vợ chồng hiếm muộn có thêm hy vọng có con
Xét về góc độ chuyên môn, xuất tinh ngược dòng trong quá trình giao hợp bình thường, nam giới vẫn có thể đạt cao trào và có cảm giác xuất tinh nhưng tinh dịch lại không được phóng ra ngoài mà đi ngược vào trong bàng quang. Bởi vậy, khi đi tiểu sẽ thấy những lợn cợn trắng đục lẫn trong nước tiểu.
Xuất tinh ngược dòng là hiện tượng hiếm gặp nhất trong các vấn đề về xuất tinh, nó không gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống tình dục của cả hai vợ chồng nhưng lại là nguyên nhân khiến nam giới bị hiếm muộn. Bởi lượng tinh trùng không thể xuất ra ngoài hoặc ra quá ít sẽ gây khó khăn cho việc thụ thai, làm giảm cơ hội được làm cha của nam giới.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xuất tinh ngược dòng như dị dạng bàng quang, dị dạng niệu đạo bẩm sinh khiến cơ vòng ở cổ bàng quang không co thắt bình thường được; Tăng prolactin máu do có khối u tuyến yên; Các dây thần kinh giao cảm trung gian giữa cơ thắt tuyến tiền liệt và cổ bàng quang bị tổn thương gây rối loạn co thắt cơ niệu đạo do mắc một số bệnh lý như: đái tháo đường, mổ nội soi bàng quang, cao huyết áp, u xơ tuyến tiền liệt, biến chứng thoái hóa cột sống, chấn thương…
Về trường hợp của anh M, do chất lượng tinh trùng trong xuất tinh ngược dòng rất kém nên bệnh nhân được tư vấn bảo quản lạnh tinh trùng lấy ra từ trong nước tiểu để có thể tích trữ đủ số lượng tinh trùng cho một lần làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF/ICSI). Sau khi quá trình đông tinh hoàn thành, chị A. được kích thích buồng trứng để làm thụ tinh trong ống nghiệm, vào ngày chọc hút noãn tinh trùng được rã đông và tiêm trực tiếp vào trong noãn (ICSI).
Kết quả là vợ chồng anh M. thu được 14 phôi. Sau lần chuyển phôi đầu tiên vợ chồng anh đã có tin vui và sinh được 1 bé gái kháu khỉnh. Đây thật sự là món quà vô giá đối với hai vợ chồng anh M và chị A. cùng cả gia đình sau gần 10 năm “tìm con” không biết mệt mỏi.
Xem thêm Clip: Chà xát các ngón tay theo cách này, gan thận và dạ dày tự khỏe không tốn 1 xu