Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:54
RSS

Hành trình tìm con trong nước mắt của mẹ hiếm muộn từng nghe người lạ xúi chồng 'không đẻ thì đổi mái đi'

Thứ bảy, 19/05/2018, 06:49 (GMT+7)

4 năm trời chạy chữa hiếm muộn là từng ấy thời gian sống trong nước mắt với những lời ác khẩu “không đẻ thì đổi mái đi” nhưng vợ chồng chị Loan vẫn kiên trì với ước mong con yêu sẽ sớm về.


Vợ chồng chị Kiều Thị Loan (Gia Lâm, Hà Nội).

“Mãi không đẻ thì đổi mái đi”

Lấy chồng từ năm 2010 khi đã 29 tuổi nhưng phải đến 4 năm sau, chị Kiều Thị Loan (Gia Lâm, Hà Nội) mới vỡ òa hạnh phúc khi được thực hiện thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Đó là làm mẹ.

4 năm trời chạy chữa khắp trong nước, ngoài nước với đủ Đông, Tây y kết hợp là 4 năm trời nhiều nước mắt, đau thương, thậm chí có cả những phút giây cận kề ranh giới giữa sự sống và cái chết. Để giờ đây, khi vỡ òa hạnh phúc trong ngôi nhà ngập tràn tiếng cười con trẻ, anh chị vẫn luôn cảm thấy mình may mắn vì được trời cao thương xót.

Chị kể: “Lấy nhau được khoảng 6 tháng không thấy gì, vợ chồng tôi khá lo. Nhưng vì kinh tế khó khăn nên tôi đi xuất khẩu lao động sang Angola. Chồng tôi lúc đó chưa học xong nên sang sau. Ở nhà anh đi khám thì kết quả bình thường. Bấy giờ tôi mới ngờ ngợ hay là do mình.

Rồi tôi đón chồng sang và một thời gian sau công việc ổn định hơn nên đi khám thì phát hiện bị tắc vòi trứng và được bác sỹ tư vấn sang Brazil để chữa”.

Không có tiền sang Brazil chữa bệnh, lại e ngại nơi đất khách quê người bất đồng ngôn ngữ, chị Loan đành “chữa mẹo”.

“Mỗi ngày sáng dậy chưa làm gì đều phải uống 1 viên tễ màu đen với 1 cốc rượu vang khoảng 75ml. Uống nhiều đến mức đau dạ dày mà con cái vẫn chưa thấy đâu nên hai vợ chồng lại bỏ hết công việc khăn gói quả mướp về Việt Nam chữa tiếp”- chị Loan nói.

Khi về Việt Nam, gia đình biết chuyện vợ chồng khó khăn đường con cái nên đã động viên anh chị rất nhiều. Thế nhưng, những lời dị nghị của hàng xóm vô tình lại khiến chị nhiều đêm phải ôm gối khóc thầm.

“Tôi không bao giờ quên được một ông thợ xây làm thuê cho vợ chồng tôi lúc xây nhà đã nói với chồng tôi rằng “Mãi không đẻ thì đổi mái đi”. Lúc đó chồng tôi có đáp lại rằng “Kể cả Loan không đẻ được hay như thế nào thì tôi cũng không bao giờ bỏ vợ nên bác đừng nói thế”. Đau đớn vô cùng”- chị Loan nhớ lại.


Bé Linh Đan chào đời mang đến cho ngôi nhà của vợ chồng chị Loan nhiều tiếng cười hạnh phúc hơn.

… rồi mất con

Sau khi cân nhắc và được bác sỹ tư vấn, vợ chồng chị Loan quyết định làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) tại Bệnh viện Quân y 103.

“Hồi đó vợ chồng phải dậy từ gà gáy để đến bệnh viện xếp sổ làm các xét nghiệm cần thiết. Xong xuôi các thủ tục lại phải chờ đến tận 8 tháng mới được duyệt hồ sơ. Lúc duyệt xong thì đúng lúc giấy tờ hết hạn nên phải làm lại từ đầu.

Lúc bấy giờ y học chưa hiện đại như hiện nay nên sau khi chuyển phôi, bác sỹ yêu cầu đúng 1 tháng sau mới quay lại siêu âm xem thai về tổ hay chưa”.

Chị Loan cũng cho biết, những ngày từ bệnh viện về nhà chờ đợi là những ngày tưởng chừng như dài vô tận. Nhất là khi cơ thể của chị bắt đầu có những dấu hiệu khác thường, báo hiệu một sinh linh bé bỏng đang dần được thành hình.

“Cảm giác lúc thử thai thấy 2 vạch sướng cực kỳ luôn. Còn mẹ chồng thì chăm mình ơi là chăm, cho ăn liên tục. Mà ăn khỏe lắm. Cơ thể cũng rất khỏe, không hề có ốm nghén gì luôn”- chị Loan nghẹn ngào nhớ lại.

Thế nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, duyên mẹ - con ngắn ngủi nên niềm vui khi mang thai chưa kéo dài được bao lâu thì vợ chồng chị Loan nhận tin sét đánh giữa trời quang. Chị bị chẩn đoán mang thai ngoài dạ con với tiên lượng xấu và được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

“Lúc bác sỹ thông báo tôi phải làm phẫu thuật, bầu trời như sụp đổ vậy. Hai vợ chồng ôm nhau khóc, nghẹn không nói được điều gì. Lúc xuống phòng mổ, vì không bị cắt vòi trứng nên ca của tôi phải mổ khá lâu.

Hôm đó lại quá đông bệnh nhân, không đủ phòng nằm nên khi mổ xong, tôi phải nằm ngoài hành lang để hồi sức. Lúc tỉnh lại nhìn vào phòng mổ thấy người ta mổ bắt con mà cảm thấy đau đớn kinh hoàng. Khi đó mình chơ vơ giữa hành lang như người chết rồi vậy. Lạnh lẽo vô cùng”.

Ở bệnh viện xót xa bao nhiêu thì khi về nhà, chị lại đau đớn bấy nhiêu vì nỗi đau mất con quá lớn. Chị ngậm ngùi nhớ lại “Suốt cả tháng trời ròng rã, anh em họ hàng làng xóm đến thăm, hết hỏi han mình cái này lại đến cái kia. Tôi biết họ có ý tốt chứ không có ý xấu gì đâu nhưng mỗi lần hỏi han lại khiến tôi tôi buồn kinh khủng, cứ khóc suốt. Lúc đó quả thật chẳng muốn ai đến thăm có khi lại nguôi ngoai”.


Bé Tú Linh rất đáng yêu và kháu khỉnh

Hạnh phúc mỉm cười

Nghỉ ngơi khoảng 6 tháng, vợ chồng chị loan lại sang BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để tiếp tục hành trình tìm con. Lúc này, chị chọc trứng được 8 quả thì được 7 phôi nên chia làm 2 đợt để chuyển. Bé Linh Đan ra đời sau đó trong niềm vui và những giọt nước mắt hạnh phúc của cả gia đình.

“Thời điểm chào đón con yêu đến với thế giới này là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời của vợ chồng tôi. Cuối cùng, sau tất cả những mất mát, đau thương, vợ chồng tôi đã được đáp đền xứng đáng”- chị nghẹn ngào nhớ lại.

Khi bé Linh Đan cứng cáp, vợ chồng chị Loan lại quyết tâm chuyển phôi trữ vì còn 3 phôi đông lạnh trước đó đang gửi ở bệnh viện. Thế nhưng, dường như lần này gia đình chị không gặp may mắn cho lắm khi đúng “thời điểm nhạy cảm” thì chị bất ngờ bị dị ứng thuốc nến thất bại.

“Về nhà mẹ chồng tôi khóc rất nhiều. Vì bà có tuổi rồi nên mong mỏi cháu lắm, cũng chăm con dâu vô cùng. Vậy nên khi chuyển phôi về không được, bà càng buồn và thương tôi nhiều hơn”.

Lúc này, tự thấy mình cũng đã có tuổi nên chị Loan chỉ nghỉ ngơi tầm 2 tháng rồi tiếp tục đi kích trứng.

Chị Loan hạnh phúc bên 2 thiên thần nhỏ 

“Lúc siêu âm dự đoán được 6 quả trứng nhưng khi chọc trứng lại được 9. Thế là các bác sỹ chuyển phôi tươi cho tôi luôn và được bé Tú Linh bây giờ. Hiện tôi vẫn còn 5 phôi ở viện nữa. Sang năm có điều kiện tôi sẽ lại chuyển tiếp”- chị Loan chia sẻ.

Khi nói về hai thiên thần bé bỏng của mình, chị Loan không giấu được tự hào cho biết, Linh Đan và Tú Linh rất ngoan ngoãn. Chị cũng không mong gì hơn là hai con luôn mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc. Với chị, như vậy là đủ đầy lắm rồi. Bởi sau tất cả, chị vẫn thấy mình may mắn hơn rất nhiều so với những cảnh đời còn đang rong ruổi trong hành trình tìm con đầy vất vả ngoài kia.

Thanh Hà
Theo Đời sống Plus/GĐVN