Thứ năm, 21/11/2024 | 19:18
RSS

Hàn Quốc tăng học phí sau 14 năm 'đóng băng'

Thứ năm, 23/02/2023, 16:01 (GMT+7)

Vào năm 2022, một số cơ sở giáo dục Hàn Quốc đã tăng học phí của sinh viên quốc tế nhằm tăng nguồn tài chính.

Sự kiện:
Hàn Quốc


Đại học Dong-A là trường đầu tiên tại Hàn Quốc tăng học phí sau 14 năm đóng băng.

Khi các trường đại học Hàn Quốc nối nhau tăng học phí, giới chuyên gia nhận định đây là bước khởi đầu của chiến lược xoay trục toàn ngành nhằm từ bỏ chính sách đóng băng học phí của chính phủ trong 14 năm.

Tháng 1, Đại học Dong-A, Busan, thông báo tăng học phí đại học lên 3,95%. Sau đó, 6 trong 11 trường đại học giáo dục như Đại học Sư phạm quốc gia Chinju, Đại học Sư phạm quốc gia Cheongju cũng tăng học phí khoảng 4%.

Theo Cơ quan thống kê Hàn Quốc, năm 2022, việc tăng học phí được giới hạn ở mức 1,65% nhưng năm nay, mức trần đã lên đến 4,05% do mức tăng giá tiêu dùng năm 2021 là 5,1%.

Trước tình trạng trên, nhiều học giả đồng tình và kêu gọi chính phủ đã đến lúc tăng học phí đại học. Ông Kim Byoung-joo, Giáo sư Giáo dục tại Đại học Yeungnam, nhấn mạnh: “Không thể nâng cao chất lượng giáo dục đại học nếu không đầu tư đủ và học phí không cao so với thu nhập bình quân đầu người và các nước có hệ thống học phí tương tự. Nếu chính phủ muốn giảm bớt gánh nặng cho sinh viên, cần phân bổ nguồn ngân sách nhiều hơn cho giáo dục đại học”.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Hội đồng Giáo dục Đại học Hàn Quốc (KCUE) với hiệu trưởng các trường đại học hệ 4 năm, gần 40% trong số 114 người được hỏi cho biết có kế hoạch tăng học phí vào năm tới.

GS Jun Yoo, làm việc tại khoa Ngôn ngữ và Văn học Hàn Quốc, Đại học Yonsei, nhận định, việc tăng học phí đã nằm trong kế hoạch được nhiều trường tính toán kỹ lưỡng.

Những năm qua, các trường đại học phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn gồm suy giảm dân số, áp lực tuyển dụng các học giả hàng đầu hay nâng cấp cơ sở vật chất nhưng thiếu nguồn vốn. Ông Yoo ước tính, hơn 40 trường đại học sẽ đóng cửa trong vòng 5 đến 10 năm tới nếu không tăng học phí.

Còn GS Song Ki-chang, chuyên ngành Quản lý giáo dục tại Đại học nữ sinh Sookmyung, cho rằng, học phí cần phải tăng theo giá cả ngày càng tăng. Nếu đóng băng tất cả các loại phí, chất lượng giáo dục có thể giảm sút.

Một số trường đại học đã báo cáo thâm hụt tài chính trong nhiều năm vì nhiều yếu tố như số lượng tuyển sinh thấp, dịch covid-19 học trực tuyến... Vào năm 2022, một số cơ sở giáo dục Hàn Quốc đã tăng học phí của sinh viên quốc tế nhằm tăng nguồn tài chính. Tuy nhiên, động thái này đã vấp phải ý kiến phản đối của nhiều du học sinh.

Học phí các trường đại học Hàn Quốc đã đóng băng từ năm 2009. Năm 2011, Đạo luật Giáo dục Đại học sửa đổi cho phép các trường đại học tăng học phí gấp 1,5 lần tốc độ tăng giá tiêu dùng trong 3 năm trước đó.

Tuy nhiên, để kiểm soát việc tăng học phí, chính phủ quy định các trường tăng học phí sẽ không được nhận tài trợ của chính phủ theo Chương trình Học bổng Quốc gia.

Mức tài trợ tỷ lệ thuận với số lượng tuyển sinh hàng năm của các trường. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi tỷ lệ sinh quốc gia giảm, ngày càng nhiều trường đại học không tuyển đủ chỉ tiêu đặt ra. Vì vậy, mức trợ cấp chính phủ dành cho họ giảm sút.

Tăng học phí giúp các trường nâng cao khả năng tài chính. Đơn cử, Chủ tịch Đại học Dong-A, Lee Hae-woo cho biết, năm ngoái, trường nhận tài trợ 2 tỷ won từ chính phủ nhưng nếu tăng học, ngân sách sẽ tăng hơn gấp đôi là 5 tỷ won.

Dù bị cắt trợ cấp từ chính phủ, trường có thể lấp đầy khoảng trống nhờ quỹ phát triển trường học, được huy động bởi các khoản đóng góp.

 

Tú Anh - Theo UWN, THE
Theo Giáo dục & Thời đại