Thứ sáu, 29/03/2024 | 17:46
RSS

Hai tuyệt chiêu đuổi muỗi không độc hại, các mẹ cần tham khảo ngay để phòng sốt xuất huyết

Thứ ba, 29/08/2017, 14:05 (GMT+7)

Muỗi đang là nỗi ám ảnh của hàng ngàn người khi dịch sốt xuất huyết lan rộng ở nhiều tỉnh. Vì thế, cách diệt muỗi mà không độc hại đang được nhiều người tìm hiểu.

Rất nhiều người ngại dùng hóa chất diệt muỗi vì lo ngại độc tố từ hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe nhất là khi nhà có người già, trẻ nhỏ, người bị dị ứng, hen suyễn... thì mọi ngườ càng ngại dùng hóa chất diệt muỗi. Còn giết muỗi thủ công (bằng tay, bằng các dụng cụ đập muỗi) thì mất thời gian mà hiệu quả cũng khiêm tốn.

Diệt muỗi

Những con muỗi đáng ghét có thể gây bệnh cho người, vì vậy, cần phải tìm cách diệt muỗi để hạn chế bệnh. Ảnh minh họa: Internet

Để diệt muỗi hiệu quả mà an toàn, theo ông Dương Toàn Thành, Khoa dịch tễ, Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và công trùng Trung ương, mọi người nên kết hợp nhiều phương pháp, trong đó, vẫn phải kể đến việc dùng hóa chất trong thời gian có dịch và thời gian ban đầu (nhưng phải phun đúng cách, đúng liều lượng), sau đó về lâu dài nên dùng các phương pháp bắt muỗi cơ học.

Diet muoi

Ông Dương Toàn Thành, cán bộ khoa Dịch tễ, Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và côn trùng Trung Ương

“Bắt muỗi cơ học” là một đề tài của Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và côn trùng Trung Ương. Có một số cách bắt muỗi cơ học như sau:

1. Dùng sức hút của gió hút muỗi vào lồng vải màn.

Vải màn sẽ được may ở phía sau quạt gió. Khi quạt bật lên và chúng ta nằm - ngồi ở trước quạt, muỗi sẽ có xu hướng bay vo ve quanh chúng ta. Nhưng do sức gió từ quạt, chúng sẽ bị hút ra phía sau và rơi vào lồng vải màn.

Thí nghiệm diệt muỗi bằng lồng vải màn đã được thực nghiệm đi thực nghiệm lại nhiều lần, trong đó, khi thực hiện ở một hộ dân bên Gia Lâm (Hà Nội), có tới 1.500-2.500 con muỗi chui vào lồng.

Tại nhà ông Thành (ở quận Thanh Xuân - Hà Nội), cách đây vài năm, chỉ dùng vải màn mà mỗi đêm 200-300 con muỗi sa vào lưới.

Với cách bẫy muỗi bằng lồng này, ông Thành cho biết, để có hiệu quả thì có thể dùng thêm một chiếc đèn pin le lói. Do cấu trúc của mắt con muỗi là mắt kép, nhiều thấu kính nên khi có đèn le lói nó sẽ bị thu hút và sa vào lồng.

Cách bắt muỗi bằng lồng vải màn cũng có hạn chế là ta nằm quạt sẽ thấy ít mát (do bị hạn chế hơi gió), nhưng bù lại, hiệu quả bắt muỗi cực tốt.

2.Dùng que đập gắn vào quạt để diệt muỗi (bẫy que đập)

Để diệt muỗi bằng que đập, chúng ta sẽ sử dụng 3 que thép lò xo gắn vào cánh quạt. Khi quạt quay, muỗi bị hút vào và chính que đập này sẽ diệt muỗi. So với dùng lồng vải màn thì cách này diệt được ít muỗi hơn, nhưng nó vẫn có hiệu quả rất nhiều so với việc ta phải đập muỗi bằng tay.

Cách diệt muỗi

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn Cần phải diệt muỗi này để ngừa bệnh. Ảnh: Internet

Tất cả các loại quạt đều có thể lắp que đập, nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu sử dụng những loại quạt công suất lớn, có luồng gió mạnh. Nhược điểm của phương pháp này là quạt sẽ có tiếng vi vu hơi rít nhẹ, nhưng tuổi thọ của quạt thì không ảnh hưởng gì.

Ông Thành cho biết, mỗi lần lắp que đập sẽ sử dụng được khoảng 1 năm, sau một năm nếu muốn dùng tiếp thì phải lắp lại thiết bị (do tuổi thọ của thiết bị chỉ khoảng 1 năm).

Cả hai cách diệt muỗi bằng lồng vải màn và bẫy que đập đều đơn giản, rẻ tiền mà hiệu quả cao, không độc. Chi phí cho diệt muỗi bằng vải màn và que đập (kể cả công lắp đặt) chỉ là 50 ngàn đồng/bẫy.

Trong thời điểm dịch sốt xuất huyết vẫn phức tạp như hiện nay, ngoài việc hợp tác với cơ quan y tế trong việc phun hóa chất, diệt bọ gậy, vệ sinh nhà cửa, không để các dụng cụ chứa nước làm nơi muỗi sinh sản..., đặt thêm các bẫy muỗi này trong nhà, đảm bảo sẽ hạn chế khả năng bị muỗi đốt trong nhà mình, tăng khả năng phòng bệnh sốt xuất huyết.

Để được tư vấn miễn phí hoặc lắp đặt bẫy muỗi, mọi người liên hệ theo số điện thoại 0936288183, gặp ông Thành.

Sốt xuất huyết và những điều bạn phải biết. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

Diệp Lâm
Theo Đời sống Plus/GĐVN