Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:55
RSS

Hai cô gái Việt bị kỳ thị, tấn công tại Úc

Thứ bảy, 30/05/2020, 16:23 (GMT+7)

Tình trạng phân biệt chủng tộc liên quan đến dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát ở Úc, khiến hai cô gái gốc Việt trở thành nạn nhân của sự kỳ thị liên quan đến đại dịch Covid-19.

Hai cô gái Việt bị kỳ thị, tấn công tại Úc
Sophie và Rosa Do - nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc. Ảnh: SCMP.

Mới đây, hai chị em người Úc gốc Việt Rosa và Sophie Do phải mất nhiều tuần mới ra đường trở lại. Vì lý do họ bị 2 thiếu niên người Úc tấn công bằng những lời lẽ phân biệt chủng tộc tại bang New South Wales, vào hồi cuối tháng 3.

Sự việc xảy ra khi hai chị em đang đứng chờ để băng qua đường Petersham ở ngoại ô Marrickville. Họ bị 2 thanh thiếu niên người Úc tấn công với những từ ngữ xúc phạm, sỉ nhục vì cho rằng họ là “nguồn gốc của Covid-19”.

Trong đoạn phim được lan truyền trên mạng xã hội thiếu niên da trắng còn giơ chân đá vào người hai cô gái gốc Việt và phun nước bọt dính vào mắt và mặt Rosa. Sau đó, nam thanh niên này bị cáo buộc 6 tội danh trong đó có tội tấn công người khác và có lời lẽ khiếm nhã.

Một trong hai nữ sinh do lo ngại lây nhiễm Covid-19, HIV, viêm gan B và C, đã phải đi xét nghiệm. Được biết, họ còn rất thất vọng và nói rằng việc bị phun nước bọt vào thời điểm đó còn tệ hơn cả bị đấm vì nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Nữ sinh còn lại chia sẻ về sự bất ngờ khi bị kì thị ngay tại quốc gia thuộc thế giới thứ nhất, nơi sự đa dạng văn hóa được ca ngợi, ngay cả khi bây giờ là năm 2020. 

Sophie nói rằng, có rất nhiều người không nhận ra người châu Á không nhất thiết phải là người Trung Quốc Và lo lắng với hành vi phân biệt chủng tộc khi đánh đồng người Trung Quốc với những người dân thuộc các nước châu Á khác.

Ngoài ra, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng trăm cư dân gốc Á trên khắp nước Úc đã báo các vụ việc liên quan tới phân biệt chủng tộc, bao gồm bị tấn công bằng lời nói và thể xác, theo Ủy ban Nhân quyền Úc và Liên minh người Australia gốc Á.

Ủy ban nói rằng các khiếu nại theo Đạo luật phân biệt chủng tộc đã đạt mức cao nhất trong 12 tháng vào tháng 2. Cơ quan này cho biết, 1/3 các khiếu nại về phân biệt chủng tộc kể từ đầu tháng 2 có liên quan tới Covid-19 mặc dù không nêu rõ bản chất của các cuộc tấn công.

 

 

Trúc An (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN