Thứ sáu, 22/11/2024 | 00:57
RSS

Hai cán bộ tại Trường Đại học Văn Lang mất chức vì đạo văn

Thứ bảy, 08/05/2021, 10:05 (GMT+7)

Việc đạo văn, gian lận trong nghiên cứu liên tục xuất hiện gần đây. Việc cán bộ Trường Văn Lang chuyển ngữ nguyên bài viết của tác giả nước ngoài rồi in thành sách rồi phát hành nhưng không dẫn nguồn là ví dụ.

Hai cán bộ tại Trường Đại học Văn Lang mất chức vì đạo văn

GS Phan Thanh Sơn Nam công khai vụ việc trên trang cá nhân.

85% nội dung trùng lặp

Trường Đại học Văn Lang (VLU) vừa tiến hành đình chỉ hoạt động quản lý của bà Hoàng Xuân Phương và ông Vũ Mộng Lân hiện đang công tác tại Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông của trường do liên quan tới đạo văn.

Trước khi bị thu hồi hoạt động quản lý, bà Hoàng Xuân Phương đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông. Còn ông Vũ Mộng Lân là Phó Trưởng bộ môn Truyền thông đa phương tiện thuộc  Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông VLU.

Bà Phương từng giữ chức vụ Trưởng bộ môn Truyền thông ứng dụng (Khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH KHXH&NV) TPHCM từ ngày 11/7/2018 - 4/3/2019. Đến tháng 11/2020, bà Phương chính thức nghỉ việc tại Trường ĐH KHXH&NV TPHCM.

Theo đó, bài viết “Mối quan hệ giữa chuyên viên PR và nhà báo: Dưới góc nhìn đạo đức truyền thông” của tác giả Hoàng Xuân Phương - Vũ Mộng Lân đăng trong cuốn sách “Báo chí và truyền thông - những thách thức và giải pháp trong xu thế phát triển hiện đại” do Nhà xuất bản ĐH Quốc gia TPHCM xuất bản, bị Giáo sư Jim Macnamara (người Úc) phát hiện có 85% nội dung từ bài báo khoa học của ông.

Sách do Khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH KHXH&NV TPHCM - ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức bản thảo và chịu trách nhiệm tác quyền. TS Đỗ Văn Biên - quyền Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TPHCM chịu trách nhiệm xuất bản và nội dung.

Hiện cuốn sách này đã được Nhà xuất bản ĐH Quốc gia TPHCM thu hồi. Trước đó, ngày 13/1, GS Jim Macnamara đã gửi email đến Khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH KHXH&NV TPHCM và Trường ĐH Văn Lang phản ánh nhóm tác giả Hoàng Xuân Phương và Vũ Mộng Lân đạo văn.

Bà Hoàng Xuân Phương cho rằng, bà không phải là người viết bài này, mà là của ông Vũ Mộng Lân. Thời điểm đó, bà Phương đang là Trưởng bộ môn Truyền thông ứng dụng thuộc Khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH KHXH&NV TPHCM nên ông Lân có nhờ bà cùng đứng tên làm bài này.

Lúc đó, ông Lân cần bài báo khoa học, và thực sự việc đứng tên trên bài này bà cũng có lợi nên đã đồng ý. Tuy nhiên, bà bất cẩn không cùng làm việc một cách nghiêm túc nên đã gặp nạn.

“Sự bất cẩn này của tôi là vết đen trong sự nghiệp. Tôi không chối cãi vì việc này khiến nhiều người mất niềm tin, ảnh hưởng đến cả tập thể tôi đã và đang công tác. Đây là bài học đắt giá cho bản thân tôi”, bà Hoàng Xuân Phương nói.

Theo TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng VLU, sau khi tiếp nhận thông tin, nhà trường đã trực tiếp làm việc với hai tác giả và yêu cầu làm báo cáo về sự việc. Trong báo cáo, nhóm tác giả Hoàng Xuân Phương và Vũ Mộng Lân thừa nhận đã có dịch 80% từ bài viết của tác giả Jim Macnamara và 20% là những thực tế từ Việt Nam nhưng lại không đề tên tác giả Jim Macnamara trong bài viết.

Ngoài ra, hai tác giả Hoàng Xuân Phương và Vũ Mộng Lân cũng đã làm việc với Khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH KHXH&NV TPHCM đề nghị thu hồi sách cũ, xuất bản sách mới (trong đó rút bài của hai tác giả ra) và xin chịu toàn bộ chi phí xuất bản mới.

Cũng theo đại diện VLU, sự vụ xảy ra khi bà Hoàng Xuân Phương còn đang công tác tại Trường ĐH KHXH&NV TPHCM.

Về phía tác giả Vũ Mộng Lân, là giảng viên VLU khi tham gia các hoạt động học thuật trong lĩnh vực thông thường sẽ gửi báo cáo đến đơn vị để đăng ký và được tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác nghiên cứu. Tuy nhiên trong thời điểm tham gia cùng tác giả Hoàng Xuân Phương, ông Lân đã không thông báo, nghĩa là có thể không liên quan gì về quyền lợi với VLU.

“Hi vọng rằng, đây sẽ là một biện pháp nhắc nhở cho nhóm tác giả nói riêng cùng các nhà nghiên cứu khoa học nói chung trong công tác giảng dạy và nghiên cứu học thuật” - đại diện VLU chia sẻ.

Hai cán bộ tại Trường Đại học Văn Lang mất chức vì đạo văn

Sách “Báo chí và truyền thông - những thách thức và giải pháp trong xu thế phát triển hiện đại” - có đăng bài của tác giả Hoàng Xuân Phương và Vũ Mộng Lân - đã được NXB ĐHQG TPHCM thu hồi.

Sai sót hay gian lận?

Mới đây, giới nghiên cứu khoa học hàn lâm đã xôn xao về việc GS Phan Thanh Sơn Nam – Trưởng khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM bị một tài khoản tố “gian lận trong nghiên cứu” trên trang Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia), bằng cách tái sử dụng một phổ cho nhiều bài báo khác nhau không liên quan.

Ngay sau khi vụ việc diễn ra, Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã thành lập hội đồng và có kết luận rằng, một số bài báo khoa học của nhóm GS Phan Thanh Sơn Nam đã xảy ra tình trạng dữ liệu (ảnh phổ) của bài báo sau trùng với bài báo trước. Các dữ liệu này đều do chính nhóm nghiên cứu thực hiện trong thời gian dài.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu gồm nhiều thành viên với các vai trò khác nhau, từ tiến hành thực nghiệm, thu thập, sắp xếp dữ liệu. Ông Nam trong vai trò trưởng nhóm sẽ kiểm tra lần cuối trước khi công bố nhưng trong quá trình thực hiện vẫn để xảy ra sai sót.

Sau đó, nhóm nghiên cứu đã liên hệ với Ban biên tập các tạp chí và đã được chấp nhận cho chỉnh sửa. Họ đang kiểm tra, thu thập lại dữ liệu để đính chính các nội dung, đồng thời rà soát tổng thể các bài báo đã xuất bản để đảm bảo chất lượng và tính chính xác. Nhóm nghiên cứu của GS Nam cũng thêm nhiều nhà nghiên cứu là các tiến sĩ để kiểm tra chéo dữ liệu giữa các nhóm nhỏ bên trong.

Sự việc tạo sự chú ý của nhiều người, GS Nam sau đó công khai trên Facebook cá nhân của mình: “Với tư cách là trưởng nhóm nghiên cứu, và là người kiểm tra lần cuối bài báo, mình thành thật xin lỗi cộng đồng vì nhóm mình đã để xảy ra chuyện này.

Cá nhân mình thành thật xin lỗi, vì không đủ kiến thức và kỹ năng, cũng như đã không tổ chức nhóm nghiên cứu thật tốt, để ngăn chặn những lỗi nói trên. Cá nhân mình cũng thành thật xin lỗi, vì đã không hướng dẫn học trò kỹ hơn nữa. Bao nhiêu bằng cấp, bao nhiêu kinh nghiệm, thì mình cũng phải học thêm cách làm việc cho nghiêm túc hơn nữa.

Sau tai nạn này, nhóm mình phân công luôn một thầy có bằng tiến sĩ chịu trách nhiệm rà soát, kiểm tra thật kỹ phần SI của bài báo khi công bố, ngoài những lần kiểm tra như xưa nay. Ngoài ra, các nhóm nhỏ trong nhóm mình sẽ kiểm tra chéo với nhau nữa…”.

Một GS cho rằng, nếu đúng như GS Phan Thanh Sơn Nam thừa nhận thì đây là trò ăn gian nhưng không quá nghiêm trọng. “Nếu phổ NMR chỉ là phần thực hành đơn giản, có thể suy đoán được sẽ trùng với phổ NMR của bài báo khác thì có thể trích dẫn đưa vào phụ lục thì cũng không sai phạm lắm.

Nhưng nếu để có phổ NMR như bài báo, phải mất thời gian và tốn kém tiền bạc thì việc không thực nghiệm mà sử dụng phổ NMR của người khác để “gắn” cho công bố khoa học là vi phạm đạo đức khoa học. Lỗi trong việc này không chỉ của GS Nam quan liêu, mà còn do phản biện và Ban biên tập tạp chí đã không sâu sát” – vị GS này chia sẻ.

Như Ý
Theo Giáo dục & Thời đại