Tự ý sao chép tài liệu giảng dạy
Năm 2013, Bộ giáo dục và Đào tạo cho phép Trường Đại học Thành Đô mở ngành đào tạo ngành Dược học trình độ đại học (điều kiện về chương trình đào tạo và tài liệu dạy học được thực hiện theo Thông tư số 08/2011/TT-BGDĐT ngày 17/2/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo- PV).
Theo đó, Đề án mở ngành đào tạo trình độ đại học ngành Dược học của Trường Đại học Thành Đô đã được Bộ Giáo dục Đào tạo cho phép tuyển sinh theo Quyết định số 4099/QĐ-BGDĐT ngày 19/9/2013. Trong đó, đề cương chi tiết các môn học của chương trình đào tạo ghi rõ những sách, tạp chí và tư liệu thông tin phục vụ dạy-học liên quan đến từng môn học.
Chương trình đào tạo này cũng được Hội đồng thẩm định xét duyệt chương trình của Trường Đại học Dược Hà Nội thông qua tháng 8/2013. Trong đó, một số tài liệu sử dụng để giảng dạy của ngành Dược học là của trường Đại học Dược Hà Nội.
Ngoài ra, Trường Đại học thành Đô được Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế tặng 142 đầu sách, giáo trình, tài liệu giảng dạy dùng làm tài liệu giảng dạy khi mở ngành đào tạo. Chỉ có 14 giáo trình, tập bài giảng do giáo viên khoa Y - Dược biên soạn đã được Hội đồng khoa học khoa Y - Dược nghiệm thu, cho phép lưu hành nội bộ, giảng dạy và học tập của sinh viên.
Một trong những tài liệu do Trường Đại học Dược Hà Nội biên soạn và phát hành bị Trường Đại học Thành Đô "lấy cắp"
Tuy nhiên, từ những nguồn "tài nguyên" này, một số cán bộ khoa Y - Dược đã tự ý photo lại sách, bỏ trang lời nói đầu, thay bìa, đề thêm vào gáy sách dòng chữ “Trường Đại học Thành Đô” và lưu hành nội bộ bán cho sinh viên đang theo học dùng làm tài liệu học tập. Hành động này khiến người sử dụng tài liệu hiểu nhầm rằng đây là giáo trình do Trường Đại học Thành Đô biên soạn và phát hành (lưu hành nội bộ).
Liên quan tới vụ việc này, đại diện Vụ Giáo dục Đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Việc sinh viên sử dụng giáo trình, tài liệu tham khảo là cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, việc tự ý phô tô sử dụng các tài liệu và tên bìa là sai.
Điều 36, Luật Giáo dục đại học cũng quy định: “Cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện các quy định về sở hữu trí tuệ và bản quyền trong sử dụng giáo trình và công bố công trình nghiên cứu khoa học.”
Căn cứ theo các quy định hiện hành, hành vi của Trường Đại học Thành Đô đã vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ và bản quyền trong sử dụng giáo trình giảng dạy ngành Dược học.
Hàng loạt đầu sách, giáo trình, tài liệu giảng dạy do Bộ Y tế tặng cũng đã và đang bị Trường Đại học Thành Đô tự ý sao chép
Đến “láo nháo” trong tuyển sinh và đào tạo
Theo tìm hiểu của PV, mặc dù chưa được Bộ GD- ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2 ngành Dược học, nhưng trong các năm học từ 2016- 2018, Trường Đại học Thành Đô đã đăng hàng loạt thông báo tuyển sinh văn bằng 2 ngành Dược học.
Từ những thông báo này, hàng trăm người đã đăng ký vào học ngành Dược học với những hứa hẹn, cam kết vô cùng hấp dẫn từ phía nhà trường và hoàn toàn không biết rằng chương trình đào tạo này đang vi phạm các quy định của pháp luật Và việc tuyển sinh này của Đại học Thành Đô cũng trở nên rất hài hước ở chỗ, các sinh viên học ngành kế toán, cơ khí, nghệ thuật cũng có thể tham gia xét tuyển văn bằng 2 ngành Dược học.
Công tác đào tạo liên thông ngành Dược học cũng có nhiều bất thường. Theo đó, trước khi vào trường, nhiều sinh viên được Trường Đại học Thành Đô thông báo có thể học liên thông lên hệ đại học, ngành Dược.
Tuy nhiên, khi học hết chương trình cao đẳng tại đây, nhà trường lại yêu cầu sinh viên nộp hồ sơ và đăng ký với Trung tâm tuyển sinh để thực hiện ôn thi và thi chuyển giai đoạn để học tiếp chương trình đại học; kèm theo đó là “lệ phí” hơn 2 triệu đồng/sinh viên. Lúc này, nhiều sinh viên mới ngợ ra là mình đã bị Đại học Thành Đô “dắt mũi” từ lâu nay.
Trường Đại học Thành Đô
Thực chất, việc làm này của Đại học Thành Đô là để “lấp liếm” cho những thông báo tuyển sinh đào tạo liên thông ngành Dược học khi chưa có phép và “quá tay” của mình. Các sinh viên theo học khi đăng ký học là liên thông lên đại học nhưng Trường Đại học Thành Đô không được đào tạo liên thông lên thẳng mà đi theo từng bước chuyển tiếp.
Do đó, từ trình độ sơ, trung cấp học lên trình độ cao đẳng, rồi từ trình độ cao đẳng mới học lên tiếp trình độ đại học. Điều này, trái ngược hoàn toàn với tất cả những thông báo tuyển sinh trước đây và đã vấp phải phản đối gay gắt từ phía sinh viên. Hiện nay, Trường Đại học Thành Đô đã tạm ngừng chương trình này, khiến sinh viên rơi vào trạng thái “lơ lửng” trong việc học tập của mình.
Có thể nói rằng, thực trạng về những vấn đề trong đào tạo và tuyển sinh thời gian vừa qua tại Trường Đại học Thành Đô đang ở mức đáng báo động. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần vào cuộc kiểm tra, xem xét, làm rõ và xử lý nghiêm những sai phạm như đã nêu, trả lại cho sinh viên và xã hội môi trường giáo dục lành mạnh, nghiêm túc.
Đời sống Plus sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.