Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:53
RSS

Hà Nội: Đề xuất tạm dừng phố đi bộ Hồ Gươm, công khai người không đeo khẩu trang

Thứ năm, 04/02/2021, 11:05 (GMT+7)

UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất dừng hoạt động các phố đi bộ từ ngày 5/2. Theo đó, Hoàn Kiếm và Hà Đông tiếp tục tăng cường xử lý người không đeo khẩu trang.

Tại cuộc họp BCĐ phòng chống covid-19 Hà Nội chiều 3/2, ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, chiều cùng ngày, quận đã lấy mẫu dịch tễ một trường hợp tiếp viên hàng không đến đến chuyến bay QH 242 ngày 29/1 từ Hà Nội – Sài Gòn có liên quan đến BN1883. Qua điều tra có 4 F2 liên quan. Công tác rà soát các F vẫn đang được tiếp tục.

Theo ông Phong, trong 2 ngày nay, 29 trường hợp không đeo khẩu trang đã bị xử phạt, với tổng số tiền là 53 triệu đồng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, ông Phong đề nghị dừng hoạt động phố đi bộ từ ngày 05/2 và sẽ mở lại khi có thông báo chính thức của thành phố. Đồng thời, nếu vào đêm giao thừa vẫn bắn pháo hoa ở khu vực hồ Hoàn Kiếm thì quận Hoàn Kiếm đề xuất cho tổ chức khoanh vùng, cấm toàn bộ không gian để kiểm soát tốt nhất.

Hà Nội: Đề xuất tạm dừng phố đi bộ Hồ Gươm, công khai người không đeo khẩu trang
Quận Hoàn Kiếm đề xuất tạm dựng hoạt động phố đi bộ từ ngày 5/2.

Tại cuộc họp, bà Cấn Thị Việt Hà - Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông thông tin, đến nay, quận Hà Đông có 43 F1 đều liên quan đến BN1866 và 1883. 195 F2 được cách ly tại nhà.

Quận Hà Đông đã rà soát được 1.201 người về từ vùng dịch. Trong đó trường THPT Trần Hưng Đạo là 585 người, kết quả xét nghiệm đều âm tính.

Ngoài ra, có 114 người dự hội nghị có liên quan đến BN1883, trong đó có 9 F1.

Theo bà Hà, quận Hà Đông đã xử phạt 29 trường hợp không đeo khẩu trang với số tiền là 47 triệu đồng. Hiện quận đang yêu cầu ban quản lý chợ hoa xuân lên danh sách các trường hợp kinh doanh chợ hoa, cây cảnh.

Liên quan đến BN1694, ông Nguyễn Huy Cường – Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, bệnh nhân này có lịch sử di chuyển phức tạp, khai quanh co. Do đó người thân của trường hợp này khi thực hiện lấy lời khai dịch tễ gây ra nhiều khó khăn cho ngành y tế.

Ngoài ra, 433 mẫu dịch tễ đã được lấy từ học sinh trường Tiểu học Xuân Phương và 100 mẫu được lấy thêm từ trường Tiểu học Cầu Diễn và tổ dân phố Xuân Phương.

Ông Cường thông tin, đến nay, quận đang quản lý 666 người từ Chí Linh (Hải Dương) và Quảng Ninh. Trong đó có 4 người dương tính, còn lại âm tính virus SARS-CoV-2.

Công khai danh tính người vi phạm phòng, chống dịch Covid-19

Kết luận cuộc họp, ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị với những trường hợp xét nghiệm có dương tính thì cần công bố công khai trên trang thông tin của Sở Y tế Hà Nội. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí thông tin tới người dân.

Đồng thời, công khai danh tính, địa chỉ, cơ quan làm việc của người vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo ông Dũng, mặc dù đây là việc không ai mong muốn nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều người dân chưa có ý thức.

Giám sát việc chấp hành của các chung cư

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế, cần xem xét các trường hợp để phong tỏa. Với trường hợp bệnh nhân ở Cầu Giấy chỉ đưa người bệnh đi cách ly, còn lại lấy mẫu xét nghiệm cho người ở trong tòa nhà chứ không cách ly, phong tỏa toàn bộ.

Ông Hiền cho biết, đối với các khu chung cư, khi xuất hiện trường hợp nào thì cần khoanh vùng lại. Sau đó lực lượng an ninh trích xuất camera để xem lại toàn bộ việc chấp hành của khu chung cư trong công tác phòng dịch, khử khuẩn, vệ sinh chung cư, ý thức của cư dân để quyết định có phong tỏa không.

"Khoang vùng, phong tỏa càng hẹp bao nhiêu thì càng dễ quản lý bây nhiêu. Khi đã phong tỏa thì phải lấy toàn bộ mẫu, việc đi lại phải được quản lý tuyệt đối" - ông Hiền nói.

Bảo Loan
Theo Gia đình Xã hội