Chủ nhật, 19/01/2025 | 05:59
RSS

Hà Giang sẽ thu hồi sổ đỏ của dinh vua Mèo do cấp sai quy định

Thứ năm, 23/08/2018, 15:22 (GMT+7)

Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang thừa nhận việc cấp sổ đỏ dinh vua Mèo là sai quy định và cho biết sẽ thu hồi và hủy quyết định trước đó.

Hà Giang sẽ thu hồi sổ đỏ của dinh vua Mèo do sai quy định
Hà Giang sẽ thu hồi sổ đỏ của dinh vua Mèo do sai quy định. Ảnh Internet.

Sáng 23/8, trao đổi với báo chí, ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cho biết sẽ thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà Sở Tài nguyên Môi trường đã cấp cho Phòng Văn hoá Thông tin huyện Đồng Văn năm 2012.

“Hà Giang cấp sổ đỏ dinh họ Vương (vua Mèo) sai nên chúng tôi sẽ thu hồi và huỷ quyết định trước đó”, ông Quý nói.

Ông Trần Đức Quý giải thích, năm 2012, địa phương rà soát các địa điểm thuộc quyền quản lý nhà nước để cấp sổ đỏ nên tỉnh mới cấp sổ đỏ dinh vua Mèo cho phòng Văn hoá Thông tin huyện Đồng Văn để phụ trách quản lý đất đai và di tích. Phòng Văn hoá Thông tin huyện Đồng Văn không không lợi dụng việc này để phục vụ lợi ích của cá nhân nào đó.

“Đây là vì việc chung, chứ không phải chúng tôi cấp sổ đỏ dinh họ Vương là thu hồi đất giao cho lãnh đạo, cá nhân, cơ quan nhà nước để mang lại lợi ích riêng”, ông Quý khẳng định.

Về xử lý trách nhiệm những cá nhân, đơn vị cấp sổ đỏ sai quy định, ông Quý cho rằng cần xem xét tuỳ vào mức độ và mục đích của việc làm này. Việc cấp sổ đỏ dinh vua Mèo vì cái chung hay vì cái riêng, đặt lợi ích tập thể lên trên hay vì mục đích cá nhân, hay do năng lực trình độ còn hạn chế.

“Nếu cấp vì mục đích cá nhân thì sẽ bị xử lý nặng. Còn do anh em nghiên cứu chưa kỹ, sơ suất, trình độ chuyên môn chưa hiểu rõ thì xem xét. Nhưng tôi nghĩ anh em vì cái chung để quản lý di tích dinh vua Mèo cho tốt”, Phó chủ tịch Hà Giang nói.

Với đề nghị “trả lại quyền sử dụng đất gắn với toà dinh thự” của ông Vương Duy Bảo (ông Vương Chí Sình), lãnh đạo Hà Giang cho biết “sẽ tính sau”. “Nếu gia đình ông Vương Duy Bảo chứng minh được quyền thừa kế hợp pháp thì mới được cấp sổ đỏ”, ông Trần Đức Quý cho biết hướng giải quyết.

Ông Quý nói thêm, năm 2002, khi gia đình họ Vương chuyển ra ngoài phục vụ trùng tu di tích, nhà nước đã hỗ trợ 500 triệu đồng. Riêng gia đình ông Vương Quỳnh Sơn (bố ông Vương Duy Bảo) nhận 320 triệu. 

Sáu hộ còn lại mỗi hộ nhận 30 triệu và đất để dựng nhà. Tuy nhiên, ông Quý thừa nhận tại các cuộc làm việc với gia đình ở thời điểm đó, Bộ Văn hoá đều khẳng định công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia không đồng nghĩa quốc hữu hoá dinh vua Mèo.

Liên quan tới thư kiến nghị gửi Thủ tướng về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tòa dinh thự họ Vương người H’Mông tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn của ông Vương Duy Bảo, ngày 16/8 Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang, Bộ VHTTDL báo cáo tổng quan quá trình xử lý, giải quyết kiến nghị trước ngày 31/8, Vietnamnet đưa tin.

Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng Bộ VHTTDL cho biết sau khi tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên về Hà Giang để nắm tình hình một cách cụ thể. Khi có kết quả, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ cũng như công bố rộng rãi để dư luận quan tâm được biết. 

Chia sẻ với báo chí, ông Trần Đình Thành, Cục Phó Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL cho biết về nguyên tắc, khi Nhà nước công nhận Di tích quốc gia không đồng nghĩa với việc buộc chủ sở hữu phải quốc hữu hóa đất và tài sản trên đất.

“Đây là tài sản của con người, được quy định rõ trong Bộ luật Dân sự. Luật Di sản văn hóa chỉ quy định những điều cần thiết bảo vệ di sản một cách tốt nhất chứ không quốc hữu hóa đất và tài sản trên đất”, ông Thành nói.

Ngày 21/8, tỉnh Hà Giang đã họp và đang xúc tiến kiểm tra lại hồ sơ, hiện trạng để hoàn thành báo cáo trước ngày 31/8 những vấn đề xung quanh kiến nghị về di tích dinh thự họ Vương.

Trước đó, trong đơn kiến nghị của ông Vương Duy Bảo có nói rõ: Tòa dinh thự họ Vương được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993. Tuy nhiên, đến năm 2002 gia đình họ Vương mới biết quyết định này, khi nhà chức trách Hà Giang đến đưa những người đang sống trong dinh thự ra ngoài để trùng tu làm bảo tàng.

Trước sự việc trên, đại diện gia đình họ Vương gửi đơn đến lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin thời kỳ đó nhưng sự việc vẫn kéo dài và chưa được giải quyết dứt điểm.


Xem thêm: 
Chân dung nghi phạm chém vợ tử vong, đâm anh vợ trọng thương ở Thanh Trì

 

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN