Thứ năm, 25/04/2024 | 14:50
RSS

Google Doodle ngày 1/2/2023: Tôn vinh bà Sương Nguyệt Anh

Thứ tư, 01/02/2023, 10:01 (GMT+7)

Google Doodle hôm nay (1/2/2023) Tôn vinh bà Sương Nguyệt Anh, người được coi là nữ chủ bút đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam.


Google Doodle tôn vinh bà Sương Nguyệt Anh. Ảnh chụp màn hình.

Bà Sương Nguyệt Anh, người được coi là nữ chủ bút Việt Nam đầu tiên đã được Google Doodle tôn vinh vào hôm nay (1/2/2023). Trong lời giới thiệu, Google Doodle cho biết: Bà Sương Nguyệt Anh là nữ tổng biên tập đầu tiên của tờ báo phụ nữ đầu tiên tại Việt Nam. Nữ giới chung là tờ tuần báo, xuất bản ngày thứ sáu, số đầu tiên vào thứ sáu, ngày 1/2/1918, số cuối ra ngày 19/7/1918.

Bà Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê, sinh ngày 8/3/1864 tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Bà là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, mẹ là bà Lê Thị Điền, người làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc.

Từ nhỏ, cùng với chị gái, bà đã được cha dạy cho cách đọc sách và thơ phú. Cả hai nổi tiếng tài sắc, được người quanh vùng ca tụng gọi là Nhị Kiều.

Năm 1888, Sương Nguyệt Anh được 24 tuổi thì cha mất. Tri phủ Ba Tường - ông Phủ Xuyên đến hỏi bà làm vợ không được nên mang lòng oán hận, tìm cách hãm hại. Để tránh tai họa, bà cùng gia đình người anh (Nguyễn Đình Chúc) chuyển sang Cái Nứa (Mỹ Tho) rồi dời về Rạch Miễu ở nhờ nhà ông nghè Trương Văn Mân. 

Sau đó, bà kết hôn và sinh một cô con gái. Hai năm sau, chồng bà qua đời. Bà thủ tiết nuôi con, thờ chồng và mở trường dạy chữ Nho cho học trò trong vùng để sinh sống. Bà thêm trước bút hiệu Nguyệt Anh một chữ "sương" (孀), thành "Sương Nguyệt Anh", có nghĩa là "Nguyệt Anh goá chồng".

Những năm 1906-1908, hưởng ứng phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, bà từng bán một phần điền sản và vận động quyên góp để giúp học sinh xuất dương sang Nhật du học.

Năm 1917, Sương Nguyệt Anh trở thành chủ bút tờ "Nữ giới chung" nghĩa là "tiếng chuông của nữ giới". Tờ báo ra số đầu tiên vào ngày 1/2/1918, với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội Tầm ảnh hưởng của "Nữ giới chung" khiến mật thám Pháp e ngại, khiến 6 tháng sau tờ báo này bị đình bản. Cũng tại thời điểm đó, người con gái độc nhất của bà (Nguyễn Thị Vinh) vừa sinh nở xong, ngã bệnh qua đời.


Một tấm ảnh chụp bà Sương Nguyệt Anh thời trẻ. Ảnh: Báo pháp luật Việt Nam.

Những năm cuối đời, bà Sương Nguyệt Anh suy kiệt sức khoẻ, đôi mắt dần mù loà.  Bà vẫn kiên cường bốc thuốc, dạy học và sáng tác thơ văn. Cho tới năm 1922, bà trút hơi thở cuối cùng, ở tuổi 58.

Bà Sương Nguyệt Anh sáng tác nhiều, nhưng không gom thành tập. Nay chỉ còn một số bài thơ như Đoan Ngọ nhật điếu Khuất Nguyên, Tức sự, Chinh Phụ thi, Thưởng bạch Mai, Vịnh ni cô, vua Thành Thái vào Nam, Cảm tác khi lính Việt đi Âu chiến... và vài bài vè như: Vè tiểu yêu, Vè thầy Hỷ, Vè đánh đề.

Sương Nguyệt Anh để lại hậu thế hình ảnh về một phụ nữ tài hoa, kiên cường, mang tư tưởng tiến bộ, một con người chịu nhiều nghịch cảnh đau thương, nhưng không vì thế mà khuất phục và gục ngã.

Ngân Quỳnh (TH)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại