Thứ tư, 08/05/2024 | 10:47
RSS

Gợi ý mâm cúng hóa vàng Tết Nguyên đán 2022 chuẩn nhất

Thứ năm, 03/02/2022, 07:21 (GMT+7)

Trong dịp Tết Nguyên Đán, ngày hóa vàng vô cùng quan trọng với người Việt cho nên mâm cúng hóa vàng cũng được các gia đình chú trọng, chuẩn bị tươm tất.

Theo phong tục, ngày 30 Tết Nguyên Đán, con cháu sẽ làm lễ cúng mời Tổ tiên về dự Tết cùng. Những ngày đó, các bậc gia thần, tổ tiên luôn ngự trên bàn thờ. Do vậy, đèn hương không bao giờ được tắt, các đồ dâng cúng như hoa quả, mâm ngũ quả và bánh kẹo phải đợi đến “ngày hóa vàng” mới được hạ xuống.

Lễ hoá vàng được xem là nghi thức kết thúc những ngày Tết, đưa tiễn ông bà, tổ tiên về lại suối vàng. Ngày nay, việc chọn ngày làm lễ hòa vàng tùy thuộc vào mỗi gia đình. Nếu gia đình nào tập trung đông đủ thì có thể làm lễ hóa vàng sớm. Từ ngày mùng 3 Tết đến ngày mùng 10, gia chủ có thể làm lễ hóa vàng.

Gợi ý mâm cúng hóa vàng Tết Nguyên đán 2022 chuẩn nhất

Mâm cúng hóa vàng ngày Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa

Tùy theo điều kiện của từng gia đình mà lễ hóa vàng có thể khác nhau. Tuy nhiên, mâm cúng hóa vàng cần đảm bảo có những món lễ bao gồm một mâm cúng hóa vàng có thể là cỗ chay hoặc cỗ mặn đều được. Trước đây, nếu làm cỗ mặn thì không thể thiếu đĩa gà trống. Trong mâm cỗ cúng hóa vàng, con gà cúng phải to, tròn, chắc nịch, có đôi chân đẹp và được bày biện cẩn thận.

Ngoài ra, mâm cỗ cúng hóa vàng cũng phải đủ món luộc, xào, canh, miến, cùng với bình rượu, li nước, lọ hoa, trầu cau, bánh kẹo và mâm ngũ quả để tiễn chân ông bà. Tiền âm, vàng mã cũng phải được chuẩn bị chu đáo để ông bà có hành trang, lộ phí để lên đường.

Sau khi thắp hương làm lễ, gia chủ sẽ đốt vàng mã - hóa vàng. Lúc hóa xong, phần tiền vàng, sớ trạng đã cháy hết thì gia chủ vẩy vào thêm chút rượu, vì quan niệm xưa cho rằng phải như thế thì khi đến cõi âm các cụ mới nhận và tiêu được số tiền đó.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại