Sản phụ bị rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược đã được "mẹ tròn, con vuông" sau ca phẫu thuật nguy hiểm.
Mang thai con thứ 3 ở tuần 38, sản phụ Nguyễn Thị Lành ( 31 tuổi, ở Nghi Kiều, Nghi Lộc, Nghệ An) nhận định mình có thể có cuộc vượt cạn khó khăn do lần sinh mổ bé thứ 2 mới chỉ cách đây hơn 1 năm. Vì vậy, gia đình đã chủ động đưa chị tới Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đăng ký sinh mổ.
Trước đó, sản phụ thường xuyên đi khám thai tại tuyến dưới, nhưng vấn đề nguy hiểm nhất là rau cài răng lược của chị chưa từng được phát hiện. Vậy mà, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ khoa Sản đã xác định sản phụ nằm trong nhóm nguy cơ cao cho cả mẹ và con do có tiền sử mới mổ lấy thai, vị trí rau tiền đạo trung tâm, bánh rau cài răng lược thể nặng, xuyên cơ tử cung. Một ca bệnh khó đòi hỏi sự xử lý quyết đoán và chuyên môn cao của các bác sỹ.
Khoa Sản - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã nhanh chóng hội chẩn với các chuyên gia nhiều kinh nghiệm, đề ra quyết định xử trí phẫu thuật lấy thai với sự phối hợp sẵn sàng của các chuyên khoa gồm: Sản khoa, Gây mê hồi sức, Huyết học truyền máu, Sơ sinh… Các bác sỹ đã lên kế hoạch chi tiết, nhanh chóng, tích cực với đầy đủ phương tiện hồi sức mẹ và bé sơ sinh.
Ths.BS Trần Xuân Cảnh - khoa Sản là phẫu thuật viên chính của ca mổ.
Ngay khi mở bụng lấy thai, máu sản phụ đã phun xối xả, ướt đẫm từ mặt xuống người các phẫu thuật.Cả êkip phẫu thuật làm việc hết sức khẩn trương,tăng tốc để cứu sản phụ đang trong tình trạng nguy kịch. Chỉ cần một sai xót hay chậm trễ cũng có thể khiến sản phụ cùng thai nhi trong bụng mình đối diện với nguy cơ tử vong. Thật may mắn êkip phẫu thuật hôm đó đã cứu sống được cả 2 mẹ con.
Ths.BS Trần Xuân Cảnh, phẫu thuật viên chính của ca mổ chia sẻ: “Sản phụ bị rau cài răng lược thể nặng và rau tiền đạo trung tâm. Đây là một thai kỳ nguy hiểm cho cả mẹ và con do nguy cơ xuất huyết nhiều trong lúc sinh mổ. Việc chẩn đoán và xử trí cần phải thận trọng, phẫu thuật nên thực hiện ở các bệnh viện chuyên khoa có đủ điều kiện chuyên môn và thiết bị cấp cứu, hồi sức. Ca mổ của sản phụ Lành, êkip phẫu thuật chúng tôi quyết định phải nhanh chóng lấy em bé. Sau đó, để nguyên bánh rau và cắt tử cung cùng với bánh rau, vì nếu cố bóc rau sẽ làm mất máu trầm trọng và tổn thương tử cung lẫn cơ quan lân cận.
Trong quá trình phẫu thuật, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các bác sĩ Gây mê hồi sức kiểm soát tình trạng chảy máu ồ ạt, xối xả của sản phụ. 1 lít máu được truyền trực tiếp trong ca mổ để ổn định tình trạng huyết động cho sản phụ. Với sự cố gắng và hướng xử trí tích cực, ca phẫu thuật thành công. Sản phụ thoát cửa tử . Bé trai nặng 3100 gram cất tiếng khóc rất to chào đời trong sự vui mừng vỡ òa của cả êkip phẫu thuật chúng tôi và gia đình sản phụ”
BS Cảnh cũng thông tin thêm, sau mổ, sản phụ được chuyển theo dõi sát sao tại khoa Hồi sức Tích cực Ngoại khoa. Chỉ sau ca mổ 2 ngày, sản phụ đã phục hồi tốt, huyết động đã ổn định, ý thức tỉnh táo và tiếp xúc tốt, da niêm mạc hồng hào lên, bước đầu vận động nhẹ được trên giường bệnh.
Xem thêm Clip: 7 điều kiêng cữ sau sinh bà đẻ nào cũng phải biết nếu không muốn về già phải trả giá đắt