Đi làm sớm sau sau sinh, sản phụ bị sa âm đạo
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương tiếp nhận một nữ bệnh nhân được phát hiện đứt hoàn toàn cơ thắt ngoài hậu môn ở vị trí 12 giờ, đồng thời sa toàn bộ thành sau âm đạo, trực tràng ra ngoài.
Trước đó, người phụ nữ trên đã có tiền sử có khối sa suốt 17 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nguyên nhân được người phụ nữ này tiết lộ là sau khi sinh thường lần hai vào năm 2001, vì nhà neo người nên khi từ bệnh viện về nhà, sản phụ đã phải tự nấu ăn, giặt quần áo và làm các việc nhà.
Thời gian sau, bệnh nhân thấy bắt đầu xuất hiện khối sa xuống vùng hậu môn và âm đạo nhưng không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt. Một năm gần đây, khối sa ngày càng lớn, gây ra tình trạng khi đi đại tiện không tự chủ được kèm theo dấu hiệu đau nhiều và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày nên mới đi khám.
Sau khi nhập viện, bệnh nhân này được chỉ định phẫu thuật tạo hình tầng sinh môn. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định và đâng được điều trị tại khoa Ngoại của bệnh viện.
Sa âm đạo là gì?
Theo các chuyên gia y tế, sa âm đạo (hay sa tử cung, sa dạ con, sa sinh dục) là bệnh phổ biến xảy ra ở phụ sau khi sinh. Và số lần sinh thường tỉ lệ thuận với tình trạng sa của tử cung và dạ con. Tức là phụ nữ càng trải qua nhiều lần mang thai, sinh con thì tình trạng tử cung bị giãn, sa càng nặng.
Theo đó, cơ thể bình thường vùng tử cung, dạ con nằm yên vị tại vị trí được quy định sẵn. Tuy nhiên, sau khi mang thai và sinh đẻ tử cung bị kéo giãn và xệ ra khỏi phạm vi đó. Tùy mức độ và tình trạng sa tử cung thì chia làm 2 cấp độ: sa tới vùng chậu và sa ngoài vùng chậu, lộ ra ngoài âm đạo. Trong đó mức độ nguy hiểm nhất của sa tử cung là lộ ra ngoài âm đạo vì nguy cơ viêm nhiễm, ung thư tử cung rất cao.
Có một vài dấu hiệu cho thấy biểu hiện của sa âm đạo. Những dấu hiệu này tùy thuộc bộ phận nào bị sa xuống và sức chống đỡ bộ phận vùng chậu bị mất là bao nhiêu. Thoạt đầu, người bệnh có thể không biết mình bị sa bộ phận, nhưng bác sĩ hay y tá có thể nhìn thấy bệnh nhân bị sa âm đạo khi làm xét nghiệm Pap (dò tìm ung thư cổ tử cung) thường lệ. Tuy nhiên, chị em vẫn có thể nhận thấy một vài dấu hiệu cảnh báo tình trạng sa âm đạo như:
- Cảm gíác nặng hoặc chằng trong âm đạo; có cái gì đó ‘tụt xuống’ hoặc một khối trong âm đạo;
- Có một khối lồi ra từ âm đạo có thể nhìn thấy hoặc sờ chạm được khi tắm vòi sen hoặc tắm bồn;
- Bị đau hoặc mất bớt cảm giác khi quan hệ tình dục;
- Bọng đái có thể không thải hết nước tiểu như thường lệ hoặc dòng nước tiểu có thể chảy yếu;
- Người bệnh có thể bị viêm đường tiểu nhiều lần;
- Khó đi đại tiện.
Những dấu hiệu này có thể chuyển nặng vào cuối ngày và người bệnh có thể cảm thấy đỡ hơn sau khi nằm xuống. Nếu vấn đề sa bộ phận phình hẳn ra khỏi cơ thể sẽ gây ra cảm giác bị đau và chảy máu vì bộ phận bị sa xuống cọ xát với quần.
Vì sao sản phụ sau sinh thường bị sa âm đạo?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sa âm đạo của chị em phụ nữ. Cụ thể là:
- Do chửa đẻ nhiều lần, đẻ dày, không được đỡ đẻ an toàn đúng kỹ thuật, rách tầng sinh môn nhưng không khâu.
- Do lao động nặng hoặc quá sớm sau đẻ làm tăng áp lực ổ bụng, đè vào đáy chậu còn mềm yếu dễ gây nên sa sinh dục.
- Và do các nguyên nhân gây tăng áp lực ổ bụng thường xuyên: mang vác, gánh gồng nặng, táo bón thường xuyên, ho kéo dài, những người bán hàng rong thường xuyên ngồi bệt trên lề đường…
Trước tình trạng trên, các bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên cho các phụ nữ khi có những biểu hiện của sa trực tràng - âm đạo việc đầu tiên là cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và tư vấn cụ thể. Tránh chủ quan, dẫn tới biến chứng nguy hiểm, gây khó khăn cho việc điều trị về sau.