Thứ năm, 25/04/2024 | 01:33
RSS

Giáo viên bạo hành trẻ em là sự suy đồi đạo đức, cần thẳng tay nghiêm trị

Chủ nhật, 01/01/2017, 15:38 (GMT+7)

Thời gian gần đây, những vụ việc bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra. Điều đáng nói là các vụ việc này được diễn ra ngay trong nhà trường, nơi mà đáng lẽ ra trẻ em được yêu thương, chăm sóc, bảo vệ.

Giáo viên bạo hành trẻ em cần bị nghiêm trị

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ việc bạo hành trẻ em khiến dư luận phẫn nộ. Đáng nói, những vụ việc này lại xảy ra ngay trong trường học, nơi mà trẻ lẽ ra phải được bảo vệ, yêu thương.

Có thể kể đến một số vụ việc tiêu biểu như: Ngày 26/12, cô giáo Đ.H.T - công tác tại trường cấp 1 Ninh Sở (xã Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội) đã cho 42 học sinh trong lớp 4A do mình chủ nhiệm thẳng tay tát vào mặt em Đ.Q.L.

Bạo hành trẻ em 1

Em Đ.Q.L. trong vụ việc cô giáo cho 42 học sinh đánh bạn. Ảnh Zing News

Tiếp đến, vụ bạo hành trẻ em mới đây nhất xảy vào chiều ngày 29/12, cô giáo N.T.H.Y – giáo viên trường mầm non Hoa Phượng (phường Quang Trung, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) liên tục dùng tay tát bôm bốp vào mặt một số cháu bé.

Cả 2 vụ việc trên đều gây nên luồng sóng phẫn nộ rất lớn cho dư luận nói chung cũng như các bậc phụ huynh nói riêng.

Bạo hành trẻ em 2

bạo hành trẻ em 3

Vụ việc bạo hành trẻ em ở trường mầm non Hoa Phượng (Kon Tum). Ảnh cắt từ clip

Để đi tìm nguyên nhân vì sao thực trạng bạo hành trẻ em lại diễn ra một cách thường xuyên như hiện nay, PV Đời Sống Plus đã có cuộc trao đổi với Th.S, BS. Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em.

- Thưa ông! Là một chuyên gia về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, xin ông cho biết đâu là nguyên nhân dẫn đến việc tình trạng bạo lực trẻ em đang diễn ra theo xu hướng ngày càng tăng như hiện nay?

- Thực tế hiện nay ở nước ta, nếu tính từ đầu năm 2016, tình trạng bạo lực trẻ em đang diễn ra ngày càng tăng, đặc biệt xuất hiện nhiều ở môi trường sư phạm. Qua các số liệu thống kê có thể thấy từ năm 2012 đến nay, các vụ bạo hành trẻ em không ngừng gia tăng.

Nếu năm 2012, ước tính cả nước có gần 2.000 trường hợp bạo hành và xâm hại trẻ em thì năm 2013 đã lên đến 4.000 trường hợp, và năm 2014 con số này lên đến 4.500 trường hợp. Trong đó, số vụ lạm dụng và xâm hại tình dục trẻ em chiếm đến 70%. Đây thực sự là con số rất đáng báo động.

Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do vấn đề giáo dục trong gia đình cũng như trường học của chúng ta vẫn còn rất nhiều yếu kém và chưa được quan tâm.

Th.S, BS. Nguyễn Trọng An

Th.S, BS. Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em. Ảnh Dân Trí

Trước đây, chúng ta có một đội ngũ cộng tác viên bảo vệ và chăm sóc trẻ em (BVCSTE) thường xuyên hoạt động theo phương thức đến từng nhà để tuyên truyền, tư vấn cộng đồng về BVCSTE. Đồng thời, đội ngũ cộng tác viên này cũng hoạt động rất tốt trong việc phát hiện và phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em.

Tuy nhiên, từ khi lực lượng này bị giải thể, đa số các vụ bạo hành trẻ em đều do báo chí phát hiện. Dẫu vậy, đó là khi các vụ bạo hành trẻ em đã diễn ra rồi nên ý nghĩa không còn nhiều, chủ yếu chỉ dừng ở mức thông tin và lên án.

Qua đó, có thể thấy được công tác tuyên truyền, giáo dục và tư vấn ngay chính tại cộng đồng là việc làm hết sức cần thiết, bởi chúng ta phải đánh vào nhận thức mới có hi vọng giảm thiểu tình trạng này.

Đó là nguyên nhân cốt yếu, bên cạnh đó, tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, hệ thống giám sát, phát hiện các hành vi bạo lực trẻ em cũng như hệ thống luật pháp, chính sách và khung pháp lý để bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa đầy đủ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trẻ em ngày càng gia tăng.

PV: Theo ông, các hành vi bạo lực, xâm hại có ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của trẻ em sau này như thế nào?

Th.S, BS Nguyễn Trọng An: Bạo hành trẻ em (bao gồm bạo hành về thể xác cũng như về mặt tinh thần) không chỉ gây thương tích trên cơ thể, lụi bại về thể xác mà còn gây dư chấn nặng nề về mặt tinh thần của các cháu bây giờ và sau này. Thậm chí tôi còn biết nhiều vụ việc, những tổn thương đó còn âm ỉ đeo bám các em suốt cuộc đời.

Những vụ bạo lực trẻ em nhẹ nhất là ảnh hưởng đến tâm lý, nặng hơn sẽ gây ra chứng rối loạn tâm thần, trầm cảm, dễ bị kích động thậm chí khi tinh thần xuống dốc, nhiều cháu còn không tin tưởng vào cuộc sống nên đã tìm đến cái chết.

PV: Chúng ta cần làm gì để khắc phục tình trạng trẻ bị bạo hành hiện nay?

Th.S, BS Nguyễn Trọng An: Theo tôi, chúng ta cần tìm giải pháp dựa trên những nguyên nhân dẫn tới tình trạng  trẻ em bị bạo hành. Trong đó, sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa gia đình, nhà trường, cộng đồng là cách tối ưu nhất để giảm thiểu tình trạng này.

Tuy nhiên, việc làm này có vẻ vẫn còn khá nan giải. Nếu như bạo lực trẻ em trong gia đình còn có thể quy cho nhận thức hạn chế của các bậc cha mẹ, tình trạng bạo lực trẻ em ở trường học còn cao hơn bạo lực trẻ em ở gia đình thì thật đáng báo động.

Ở đây, tôi xin nhấn vào những vụ bạo lực trẻ em ở trường học. Nhà trường là nơi trẻ học tập, vui chơi nhưng vẫn xảy ra bạo lực thì không thể đổ tội cho các biện pháp nghiệp vụ sư phạm kém mà là do sự suy đồi, xuống cấp về mặt đạo đức, lương tâm nghề nghiệp của một bộ phận người đang mang trên mình cái mác giáo viên. Những thành phần đó cần thẳng tay nghiêm trị.

Xin cảm ơn ông!

Tùy theo mức độ, động cơ để xử phạt

Trao đổi với PV Đời Sống Plus về vấn đề này, Luật sư Đỗ Trung Kiên – Trưởng văn phòng Luật sư Đỗ Trung Kiên và cộng sự cho biết: Tùy theo động cơ, mục đích và mức độ nghiêm trọng của hậu quả để lại, người thực hiện bạo hành trẻ em có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính (bồi thường tiền) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (ngồi tù, chung thân, tử hình).

Cụ thể:

– Hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm (theo khoản 6 Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định). Hành vi này được hướng dẫn tại Điều 8 Nghị định 71/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số quy định của luật, bao gồm:

+ Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm.

+ Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, xao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.

+ Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn để thể xác và tinh thần.

Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, những hành vi được liệt kê cụ thể như trên có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Ngoài ra, người thực hiện hành vi hành hạ, ngược đãi đối với trẻ em còn phải bồi thường cho cha mẹ hoặc người giám hộ của các bé số tiền để bù đắp những tổn thất vật chất thực tế và tổn thất tinh thần gây ra cho trẻ.

Nguyễn Duẩn
Theo Đời sống Plus