Thứ sáu, 29/03/2024 | 14:30
RSS

Giáo dục Hàn Quốc 'níu chân' sự phát triển kinh tế

Thứ tư, 16/11/2022, 11:29 (GMT+7)

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học tại Hàn Quốc thuộc hàng cao nhất trong nhóm các nước phát triển.


Thí sinh Hàn Quốc tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia.

Hệ thống giáo dục Hàn Quốc đang đối mặt với những chỉ trích gay gắt do không thể đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện đại, đồng thời, góp phần làm suy giảm sức khỏe tâm thần của giới trẻ.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học tại Hàn Quốc thuộc hàng cao nhất trong nhóm các nước phát triển. Hệ thống giáo dục của quốc gia này từng được Tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi.

Nhưng những đánh giá sâu về nền giáo dục Hàn Quốc cho thấy nỗi ám ảnh về các trường đại học “hào nhoáng” khiến nhiều sinh viên thiếu hụt kỹ năng thực tế. Không ít cử nhân thiếu kỹ năng học tập suốt đời để duy trì tính cạnh tranh trong công việc. Chưa kể ngành công nghiệp luyện thi được cho là nguyên nhân dẫn đến gia tăng các vụ tự tử ở thanh, thiếu niên.

Theo phân tích của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), sau khi sinh viên Hàn Quốc tốt nghiệp và gia nhập lực lượng lao động, khả năng nhận thức của họ trượt với tốc độ nhanh nhất trong OECD.

Hàn Quốc cũng là nước có sự chênh lệch nghiêm trọng nhất giữa nhu cầu thị trường lao động và kỹ năng việc làm trong khối các nước phát triển. Một nửa số sinh viên tốt nghiệp đại học ở quốc gia này thường đi làm những công việc không liên quan đến bằng cấp.

Báo cáo của OECD cho rằng, một phần nguyên nhân do “hội chứng vé vàng”. Đây là thuật ngữ để chỉ việc người Hàn Quốc quan tâm đến danh tiếng của trường đại học hơn là mục tiêu phát triển đam mê và sự nghiệp suốt đời.

Nỗi ám ảnh về đại học cũng khiến các gia đình tăng chi tiêu cho giáo dục. Phần lớn nguồn chi này đổ về “hagwons”, các trung tâm dạy thêm tư nhân giúp học sinh chuẩn bị cho các bài kiểm tra và kỳ thi. Trung tâm dạy thêm tại Hàn Quốc đã phát triển thành ngành công nghiệp trị giá 23,4 nghìn tỷ won.

Học phí một tháng tại trung tâm dạy thêm có thể lên tới hàng trăm USD. Theo nhà lập pháp Min Hyung-bae, học sinh Hàn Quốc học thêm từ rất sớm. Một khóa dạy tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo có giá 25 nghìn USD/năm, gấp 5 lần học phí trung bình của một trường cao đẳng.

Dù vậy, Hàn Quốc là nước thu về ít nhất từ đầu tư cho giáo dục. So với Ireland, Hàn Quốc chi nhiều hơn 40% cho một học sinh tuổi vị thành niên nhưng thu về mức GDP/nhân viên thấp hơn 60%.

Đáng chú ý, hiện nay, nhiều học viên nghề tại Hàn Quốc tin rằng cần phải sở hữu bằng đại học để tham gia lực lượng lao động, thay vì học nghề và thực tập tại các doanh nghiệp. Suy nghĩ này có thể làm trầm trọng thêm độ vênh giữa đào tạo và thị trường việc làm và làm suy giảm năng suất làm việc.

Trong khi đó, học đại học khó đảm bảo sự linh hoạt của xã hội. Các cuộc khảo sát cho thấy, cơ hội thăng tiến xã hội đang giảm dần dù tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học tăng lên.

Bên cạnh đó, áp lực phải trúng tuyển đại học danh giá và việc ôn luyện nhiều giờ tại các trung tâm dạy thêm là nguyên nhân hàng dầu dẫn đến tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên. Năm ngoái, tỷ lệ tự tử ở thanh, thiếu niên Hàn Quốc tăng 10,1%, mức tăng lớn nhất từ trước đến nay.

Trên thực tế, các nhà hoạch định chính sách đã và đang nhận thức được các vấn đề trong hệ thống giáo dục Hàn Quốc nhưng chưa thể cải thiện.

“Giáo dục đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Hàn Quốc tiến xa nhưng giờ đây, hệ thống này có thể đang phần nào níu chân tương lai kinh tế của quốc gia”, nhà kinh tế Ban Ga-Woon, Viện Nghiên cứu Đào tạo và Giáo dục Nghề nghiệp Hàn Quốc, cho biết.

 

Tú Anh - Theo Bloomberg
Theo Giáo dục & Thời đại