Thứ ba, 16/04/2024 | 14:06
RSS

Chi thường xuyên cho giáo dục: Các nước thực hiện ra sao?

Thứ hai, 14/11/2022, 10:58 (GMT+7)

Vương quốc Anh, Đan Mạch hay Hàn Quốc là những quốc gia đầu tư lớn cho GD, trong khi Nhật Bản đầu tư ít hơn nhưng hiệu quả...


Trẻ em Đan Mạch được học miễn phí đến năm 16 tuổi.

Đầu tư cho sự phát triển

Trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Vương quốc Anh đầu tư nhiều nhất cho giáo dục Năm 2014, nước này chi 6,6% GDP cho giáo dục. Trong đó, 79% dành cho giáo dục tiểu học và THCS. Với bậc đại học, chi tiêu nhiều nhất của chính phủ là dành cho các khoản vay sinh viên và nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, chi tiêu cho giáo dục tại Anh trong những năm gần đây có sự sụt giảm lớn do lạm phát, đại dịch Covid-19 và Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu). Hiện nay, hàng triệu giảng viên trên cả nước có nguy cơ đình công đòi tăng lương, tăng lương hưu và trợ cấp. Nhiều sinh viên phải bỏ học vì trợ cấp không đủ chi trả sinh hoạt phí do lạm phát.

Sau Vương quốc Anh, Đan Mạch là quốc gia đầu tư cho giáo dục cao thứ 2 trong nhóm OECD. Ước tính, nước này chi 6,5% GDP cho giáo dục vào năm 2014. Chính phủ đầu tư cho mỗi học sinh 12.293 USD/năm (khoảng 300 triệu đồng) từ bậc tiểu học lên đại học, con số cao nhất trong OECD.

Tại Đan Mạch, giáo dục được tài trợ bằng thuế, không huy động nguồn đầu tư xã hội hóa và được chính phủ trợ cấp gần như toàn bộ. Chỉ những trường tư thục, quốc tế mới thu học phí. Do đó, phụ huynh gửi con đến trường công lập mà không cần lo lắng bất cứ điều gì.

Một trong những quốc gia châu Á đầu tư hiệu quả cho giáo dục là Hàn Quốc. Năm 2014, theo OECD, nước này xếp thứ 4 trong các nước đầu tư cho giáo dục, lần lượt sau Vương quốc Anh, Đan Mạch và New Zealand.

Trong nhiều năm qua, tỷ suất lợi nhuận đầu tư cho giáo dục tại Hàn Quốc nằm ở mức cao, dao động khoảng 10%. Năm 2014, nước này đầu tư 6,3% cho giáo dục. Năm 2017, Bộ Giáo dục đầu tư ngân sách 29 tỷ USD, cao gấp 6 lần cùng kỳ năm 1990 và chiếm khoảng 20% nguồn chi của chính phủ.

Nhờ đầu tư thoả đáng, ngành Giáo dục Hàn Quốc đã tiến bộ vượt bậc trong những năm qua. Theo dữ liệu của UNESCO, số lượng sinh viên đại học tại Hàn Quốc tăng từ 539 nghìn người vào năm 1980 lên 3,3 triệu người vào năm 2015.

Trong xã hội hóa giáo dục, qua nhiều thập kỷ, Chính phủ Hàn Quốc đã kêu gọi khu vực tư nhân hỗ trợ, đặc biệt là giáo dục đại học. Đơn cử, chính phủ khuyến khích các tổ chức tư nhân ủng hộ vào quỹ khuyến học dành cho sinh viên nghèo vượt khó.

Tổ chức tư nhân sẽ tài trợ học phí cho sinh viên nghèo; đóng góp quỹ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trường học; tạo công ăn việc làm cho sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường… Bên cạnh đó, các hộ gia đình dành nhiều nguồn lực cho giáo dục, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư cho lĩnh vực này.


Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tư cho giáo dục cao nhất châu Á.

Chi tiêu “khôn ngoan”

Chi tiêu cho giáo dục tại Nhật Bản ít hơn nhiều nước phát triển. Theo dữ liệu của OECD năm 2017, nước này đầu tư 3,3% GDP vào giáo dục, thấp hơn so với mức trung bình của OECD là 4,9%. Ước tính, Nhật Bản chi 8.478 USD/năm cho mỗi học sinh ở cấp tiểu học, thấp hơn so với mức 10.959 USD của Mỹ.

Tuy nhiên, nhà phân tích Alana Semuels, làm việc tại tờ The Atlantic, nhận định, Nhật Bản chi tiêu cho giáo dục một cách “khôn ngoan”. Các trường học tại nước này được xây dựng với thiết kế tương đối giống nhau, không quá cầu kỳ mà vẫn đảm bảo điều kiện cơ bản như phòng học, khu hiệu bộ, phòng thể chất, sân vận động...

Sách giáo khoa Nhật Bản được thiết kế tương đối đơn giản, in bìa mềm. Đặc biệt, trường học không thuê lao công dọn vệ sinh. Trách nhiệm này thuộc về học sinh và giáo viên.

Ngoài ra, trong ban giám hiệu các trường phổ thông, nguồn nhân lực mỏng. Một trường học thường duy trì một hiệu trưởng, một vài phó hiệu trưởng và rất ít nhân viên trường học.

Mặc dù chi tiêu tương đối thấp cho giáo dục, Nhật Bản là quốc gia trả lương cho giáo viên thuộc hàng cao so với trung bình của OECD. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng cung cấp các chương trình học bổng đa dạng cho gia đình thu nhập thấp nhằm tạo cơ hội giáo dục bình đẳng trên cả nước.

Từ năm 2020, Nhật Bản phân bổ khoản đầu tư trị giá 800 tỷ yên cho phép sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được phép học tập miễn phí trong cơ sở giáo dục đại học công lập. Học phí tại các trường đại học tư, cao đẳng 2 năm và trường dạy nghề cũng được trợ cấp.

Trong những năm gần đây, Chính phủ Nhật Bản đang thảo luận phương án thay đổi cách phân bổ ngân sách dành cho đối tượng giáo dục. Cụ thể, nhân lực sẽ được chú trọng hơn cho thế hệ trẻ bắt đầu từ giáo dục mầm non nhằm cải thiện tình trạng dân số già của đất nước.

Về mặt xã hội hóa giáo dục, các trường học Nhật Bản gắn bó chặt chẽ với các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân. Đơn cử, khi đưa môn Giáo dục Tài chính vào chương trình dành cho học sinh tiểu học, Bộ Giáo dục khuyến khích các công ty chứng khoán cử tư vấn viên, chuyên gia đến giảng dạy hoặc xây dựng chương trình học.

Từ năm 2021, Kid’s Money School, tổ chức giáo dục tài chính dành cho trẻ em từ 4 - 10 tuổi tại thành phố Oita, Nhật Bản, đã chứng kiến sự gia tăng mạnh đề nghị hợp tác giáo dục với các trường học và chính quyền địa phương. Tổ chức này sẽ thiết kế bài giảng, cử nhân viên đến làm trợ giảng. Như vậy, các trường có thể giảm nguồn chi ngân sách cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên môn Giáo dục Tài chính hoặc thuê giáo viên ngoài.

Tại Anh và Nhật Bản, tình trạng lạm thu không phổ biến nhưng gây nhức nhối trong xã hội. Hai nước này quy định, tuỳ vào mức độ lạm thu, ban giám hiệu nhà trường, hoặc người đứng đầu là hiệu trưởng, sẽ phải chịu mức xử phạt thích đáng từ kỷ luật, đuổi việc, tù treo cho đến phạt tù.

Tất cả trẻ em Đan Mạch đều có quyền học tập tại các trường công lập miễn học phí cho đến năm 16 tuổi. Còn sinh viên được hưởng trợ cấp vô điều kiện hàng tháng là 750 euro. Điều này nằm trong chính sách hỗ trợ sinh viên của Đan Mạch, đồng thời thu hút nhiều sinh viên nước ngoài.

 

Phạm Khánh (TH)
Theo Giáo dục & Thời đại