Thứ sáu, 26/04/2024 | 12:23
RSS

Gia Lâm (HN): Doanh nghiệp “hô biến” đất nông nghiệp thành nhà xưởng kiên cố

Thứ hai, 05/11/2018, 11:47 (GMT+7)

Mặc dù trong hợp đồng ghi rõ sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, trồng cây ngắn ngày nhưng ông Nguyễn Công Thịnh - Giám đốc Công ty TNHH TTTK lại ngang nhiên xây dựng nhà xưởng sản xuất gỗ ván ép kiên cố.

Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp sử dụng sai mục đích

Theo tìm hiểu được biết, ngày 8/9/2014, ông Đào Văn Hồng- nguyên Chủ tịch UBND xã Yên Viên (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) đã ký văn bản số 23/HĐ-UBND về hợp đồng thuê đất tại khu Nghĩa Trang thôn Cống Thôn cho ông Nguyễn Công Thịnh để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, trồng cây ngắn ngày.

Diện tích đất giao là 1,348m2 thuộc quỹ đất 5%, loại đất nông nghiệp do UBND xã quản lý, với thời hạn hợp đồng thuê đất là 5 năm, giá thuê 13.000đ/m2/năm (tính từ ngày 1/9/2014 đến hết ngày 31/8/2019).

Công ty TNHH TTTK đất nông nghiệp thành nhà xưởngĐất nông nghiệp, trồng cây ngắn ngày "biến" thành nhà xưởng sản xuất gỗ ván ép 

Nội dung bản hợp đồng nêu rõ: Ông Nguyễn Công Thịnh phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới, đúng vị trí và diện tích đất thuê; tổ chức sản xuất canh tác có hiệu quả; không được hủy hoại, làm giảm sút giá trị của đất; Thực hiện các biện pháp bảo vệ đất; Tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan,…..

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, ông Nguyễn Công Thịnh – Giám đốc Công ty TNHH TTTK đã cho xây dựng nhà xưởng sản xuất gỗ ván ép và kinh doanh buôn bán trên hơn nghìn m2 đất nông nghiệp suốt nhiều năm qua. 

Chính quyền đổ lỗi cho lịch sử để lại?

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Quyên – Phó Chủ tịch UBND xã Yên Viên, cho biết: “Doanh nghiệp này hoạt động gần 10 năm, mới đầu thuê của thôn, đây là quỹ đất nghĩa trang của thôn Cống Thôn họ chưa dùng đến nên thôn cho thuê khi nào có nhu cầu mở rộng nghĩa trang thì trả lại”.

Theo lý giải của bà Quyên, thời điểm trước năm 2000 là thôn cho thuê 5 năm, sau luật đất đai 2003 thôn đã giao lại đến năm 2016 thực hiện chỉ đạo công tác quản lý đất đai không để cho các thôn, tổ dân phố được ký hợp đồng cho thuê đất đối với diện tích đất xen kẹt.

UBND xã đã thanh lý hợp đồng của thôn và UBND xã đã có hợp đồng tạm giao hàng năm vì đây là đất mở rộng nghĩa trang chưa dùng đến và một phần đất nữa là nằm trong dự án mở rộng đường hành lang chân đê và sẽ giải tỏa trong tháng 10 nhưng hiện nay chưa có kiểm đếm về tài sản cho nên vẫn chưa thống nhất được với các hộ. Trong đó có một phần là cái xưởng này vì có nằm trong rìa hành lang.

Công ty TNHH TTTK đất nông nghiệp thành nhà xưởng1Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp của Công ty TNHH TTTK dựng thành nhà xưởng không bị xử lý?

Trước thắc mắc của PV về việc tại sao trong hợp đồng thuê mục đích sử dụng là sản xuất nông nghiệp, trồng cây ngắn ngày nhưng lại "biến" thành xưởng, bà Quyên trả lời: “Xã bây giờ không thể cho thuê vào mục đích khác nếu không có phương án nhưng ở đây cái nhà xưởng đã dựng lên từ lâu rồi. Trước đó là sai nhưng mỗi thời điểm, gia đoạn đều khác nhau, chỗ này do lịch sử để lại”.

Về hướng xử lý công trình, vị Phó Chủ tịch xã cho biết: “Đã đưa vào các công trình vi phạm trật tự xây dựng, nếu tháo dỡ thì đất lại để bỏ hoang, lãng phí. Phía lãnh đạo bên trên cũng biết do lịch sử để lại. Tiền thuế thu theo mục đích sử dụng như theo hợp đồng”.

Như vậy, nhiều năm qua Công ty TNHH TTTK kinh doanh, sản xuất gỗ ván ép, mặc dù chính quyền biết rõ là sai nhưng không hề có biện pháp xử lý dứt điểm, vẫn cho tồn tại để dần “hợp thức hóa”. Việc làm nay sẽ gây thất thoát tiền thuế rất lớn của Nhà nước.

Đời sống Plus sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Vũ Thành
Theo Đời sống Plus/GĐVN