Thứ sáu, 29/03/2024 | 06:55
RSS

Bloom Spa vi phạm nghiêm trọng Luật Quảng cáo

Thứ ba, 23/10/2018, 10:34 (GMT+7)

Không chỉ quảng cáo thực hiện các dịch vụ vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép Bloom Spa còn ngang nhiên vi phạm Luật Quảng cáo, tự nhận mình là “duy nhất tại Việt Nam”, “lớn nhất tại Việt Nam”,….

Bloom Spa ngang nhiên vi phạm Luật Quảng cáoHệ thống Bloom Spa do  bà Nguyễn Thuỳ Dương làm tổng giám đốc tự nhận mình là "duy nhất", "lớn nhất" tại Hà Nội 

Vi phạm Luật Quảng cáo

Được biết Bloom Spa do bà Nguyễn Thuỳ Dương làm Tổng Giám đốc (cơ sở chính tại số 75 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đăng quảng cáo nhiều dịch vụ mới, lạ, tự nhận mình là “duy nhất”, “lớn nhất” tại Việt Nam về làm đẹp, chăm sóc da.

Cụ thể, trên trang web của hệ thống Bloom Spa có nhiều thông tin, hình ảnh, từ ngữ quảng cáo “có cánh”, hấp dẫn để hút khách hàng như: “Bloom Spa – Spa Nhật Bản lớn nhất tại Việt Nam”, “Bloom Spa – Spa Nhật Bản duy nhất tại Việt Nam Spa trị liệu & làm đẹp dựa trên cơ sở chẩn đoán y khoa về sức khỏe & thể trạng để đưa ra liệu trình làm đẹp phù hợp & hiệu quả nhất”…

Bloom Spa ngang nhiên vi phạm Luật Quảng cáo1Quảng cáo sai quy định

Điều này khiến khách hàng nhầm tưởng ở Việt Nam chỉ có dịch vụ ở cơ sở thẩm mỹ này là tốt nhất. Việc quảng cáo quá "lố" trên dẫn đến sự cạnh tranh giữa các thẩm mỹ, spa không lành mạnh.

Với nội dung quảng cáo như trên, hệ thống Bloom Spa do bà Nguyễn Thuỳ Dương làm Tổng Giám đốc đã vi phạm hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo Theo khoản 11, điều 8, Luật Quảng cáo 2012: “Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch”.

Bên cạnh đó, tại khoản 6, Điều 39 Luật Cạnh tranh thì đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Coi thường pháp luật?

Như Đời sống Plus đã thông tin, Bloom Spa hiện có 4 cơ sở tại TP. Hà Nội: Số 75 Bà Triệu, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng; Tầng 3, khách sạn Hoa Đào, 713 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ; Tầng 2, Trung Yên PLaza, số 1 Trung Hoà, quận Cầu Giấy; Tầng 2, tòa nhà Indochina Plaza, số 241, Xuân Thủy, Cầu Giấy.

Theo tìm hiểu, 4 hệ thống Bloom Spa chỉ được cấp phép dịch vụ làm đẹp, chăm sóc da thông thường (không xâm lấn). Tuy nhiên, trên website bloomspa.vn và fanpage facebook, đơn vị này đang quảng cáo, thực hiện các dịch vụ ngoài phạm vi cho phép của Bộ Y Tế.

Bloom Spa ngang nhiên vi phạm Luật Quảng cáo2Hàng loạt hệ thống Bloom Spa còn thực hiện các dịch vụ vượt quá phạm vi cho phép trong khoảng thời gian dài, tiềm ẩn rủi ro cho khách hàng

Cụ thể, trang facebook có tên “Bloom Spa-Spa Nhật Bản” sử dụng những từ ngữ "có cánh", đánh trúng tâm lý khách hàng như: “Không giống các phương pháp lăn kim thông thường, lăn kim tế bào gốc nhau thai Helene ngoài tác dụng đặc trị sẹo rỗ, thâm sau mụn, lỗ chân lông to còn giúp kích thích phát triển các sợi collagen và các mô nâng đỡ cải thiện nếp nhăn, trẻ hóa da…”.

Trang facebook này tự hào giới thiệu: Quá trình nuôi cấy không hề đơn giản nên tế bào gốc nhau thai chỉ được chiết xuất và nuôi cấy tại bệnh viện Helene- nơi duy nhất được Chính phủ Nhật cấp phép.

Tiếp tục, website của cơ sở này còn quảng cáo dịch vụ “Điện di Vitamin C + Nhau thai Helene: Căng mướt, trắng sáng ngay buổi đầu tiên, làm mờ vết sạm da, tái tạo sau quá trình bị mịn,…Kích thích sự tổng hợp collagen, làm đầy các nếp nhăn. Các nghiên cứu khoa học cho thấy khi siwr dụng trên da, tế bào tiếp xúc với vitamin C Nhau thai Helene tái tạo sợi collgen nhanh gấp 8 lần so với bình thường,..”, với giá dịch vụ 2,4 triệu đồng.

Được biết, Bộ Y tế đã có khuyến cáo người dân không nên sử dụng nhau thai. Nhau thai không phải là một sản phẩm chữa bệnh trên thị trường, không được sự đồng ý của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng, vì vậy việc mua bán nhau thai cần xem là không hợp pháp.

Cụ thể, tại công văn số 4555 ngày 12/3, do ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ký về việc tăng cường quản lý mỹ phẩm, hiện nay trên mạng Internet, việc kinh doanh mỹ phẩm đang diễn ra một cách tự do, thiếu sự quản lý của cơ quan nhà nước. Các thành phần có nguồn gốc từ con người thuộc danh mục các chất không được phép sử dụng trong mỹ phẩm.

Đề nghị các ban ngành TP.Hà Nội, Sở Y Tế Hà Nội sớm vào cuộc xác minh, làm rõ và xử lý vi phạm. Tránh trường hợp khách hàng tin vào những lời quảng cáo, dẫn đến tiền mất tật mang.

Đời sống Plus sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Theo các chuyên gia pháp lý, những cơ sở như thế này có thể bị xử phạt từ khâu quảng cáo nội dung không đúng với giấy phép được cấp (bị phạt từ 10 đến 15 triệu theo NĐ 158/2013NĐ-CP), cho tới khâu hành nghề mà không có giấy phép hoặc vượt quá nội dung giấy phép đã được cấp (bị phạt tới 70 triệu đồng theo NĐ 176/2013NĐ-CP).

Theo khoản 2, điều 37 nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ về điều kiện hoạt động đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể,…chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

 

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN