Thứ bảy, 18/01/2025 | 13:02
RSS

GDP là gì? Ý nghĩa và cách tính GDP thông dụng?

Thứ tư, 16/09/2020, 15:03 (GMT+7)

Chúng ta vẫn thường được nghe và nhìn thấy thuật ngữ GDP trên báo chí và các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, GDP là gì và ý nghĩa của chỉ số này như thế nào thì không phải ai cũng hiểu rõ.

GDP là gì, ý nghĩa và cách tính GDP thông dụng

1. GDP là gì?

GDP là từ viết tắt của cụm từ Tiếng Anh "Gross Domestic Product", được hiểu là tổng sản phẩm quốc nội (tổng sản phẩm nội địa). Xét về bản chất, GDP chính là tổng giá trị thị trường của tất cả các sản phẩm và dịch vụ thành phẩm của tất cả các đơn vị tập trung trong nền kinh tế của một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định cụ thể. 

GDP bao gồm tất cả tiêu dùng cá nhân và nhà nước, chi tiêu của chính phủ, đầu tư, bổ sung vào hàng tồn kho tư nhân, chi phí xây dựng được thanh toán và cán cân thương mại nước ngoài (xuất khẩu được thêm vào, nhập khẩu bị trừ). 

Nó có thể tương phản với Tổng sản phẩm quốc gia (GNP), đo lường sản xuất chung của công dân nền kinh tế, bao gồm cả những người sống ở nước ngoài, trong khi sản xuất trong nước của người nước ngoài bị loại trừ. Mặc dù GDP thường được tính theo năm, nhưng nó cũng có thể được tính theo quý (ví dụ ở Mỹ, chính phủ công bố ước tính GDP hàng năm cho mỗi quý và cả năm).

Trong GDP thì GDP bình quân đầu người (GDP per capita) được nhắc đến nhiều nhất. GDP bình quân đầu người chính là chỉ tiêu thống kê kinh tế thể hiện kết quả sản xuất kinh doanh tính bình quân trên đầu người của một đất nước trong một năm. Để tính được GDP bình quân đầu người của một quốc gia tại một thời điểm cụ thể, ta sẽ chia GDP của quốc gia tại thời điểm đó cho tổng số dân của quốc gia cũng tại thời điểm đó. 

GDP danh nghĩa (Nominal GDP): Chính là giá trị sản lượng hàng hoá và dịch vụ tính theo giá hiện hành. Có nghĩa là tổng của lượng hàng hoá và dịch vụ được sản xuất ra trong một năm nhân với giá của hàng hoá và dịch vụ ấy trong năm đó. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, một năm có hàng nghìn mức giá biến động lên xuống khác nhau đối với mỗi sản phẩm hay dịch vụ. Vì vậy, chúng ta phải sử dụng phương pháp bình quân gia quyền để tính ra mức giá chung của mỗi sản phẩm, dịch vụ.

GDP thực tế (Real GDP): Là giá trị sản lượng hàng hoá và dịch vụ hiện hành của nền kinh tế được đánh giá theo mức giá cố định của năm cơ sở (năm gốc). Có nghĩa là tổng của lượng hàng hoá và dịch vụ được sản xuất ra trong một năm nhân với giá cố định của các hàng hoá và dịch vụ ấy trong năm gốc.

2. Ý nghĩa của chỉ số GDP đối với một quốc gia

- Chỉ số GDP là thước đo để đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế của một nước và thể hiện sự biến động của sản phẩm hay dịch vụ theo thời gian.

- Suy giảm GDP sẽ có tác động xấu đến nền kinh tế của quốc gia đó; dẫn đến suy thoái, lạm phát, thất nghiệp, mất giá đồng tiền... Các tác động xấu này ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của người dân.

- Thông qua GDP bình quân đầu người, ta biết được mức thu nhập tương đối cũng như chất lượng sống của người dân ở mỗi quốc gia.

3. Cách tính GDP

Tuỳ theo mỗi góc độ khác nhau, GDP được tính theo các phương pháp khác nhau. Có 3 cách tính GDP thông dụng nhất được áp dụng là phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng cuối cùng và phương pháp thu nhập. Tuy nhiên, dù tính GDP theo phương pháp nào thì kết quả tính GDP sẽ là như nhau.

Tính tổng chi tiêu (Phương pháp chi tiêu): là một trong những phương pháp thực hiện chính xác nhất, Đây là phương pháp tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một quốc gia, bằng cách lấy cộng tất cả số tiền mà các hộ gia đình trong quốc gia đó dùng để mua sắm và sử dụng dịch vụ.

Công thức: GDP = C + G + I + NX

Trong đó:

- C (Chi tiêu của hộ gia đình): Bao gồm tất cả các chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ của hộ gia đình.

- G (Chi tiêu của chính phủ): Là tổng chi tiêu cho giáo dục y tế, an ninh, giao thông dịch vụ, chính sách…

- I (Tổng đầu tư): Là tiêu dùng của các nhà đầu tư, bao gồm các khoản chi tiêu của doanh nghiệp về trang thiết bị, nhà xưởng…

- NX: NX là cán cân thương mại, là “xuất khẩu ròng” của nền kinh tế. NX = X(xuất khẩu [export]) – M (nhập khẩu [import]).

Tính theo thu nhập (Phương pháp chi phí): Phương pháp chi phí tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bằng cách tính tổng tiền lương, tiền lãi, lợi nhuận và tiền thuê sinh ra trong nền kinh tế nội địa. Áp dụng cách tính sau:

Công thức: GDP = W + I + Pr + R + Ti + De

Trong đó:

- W (Wage): tiền lương

- I (Interest): tiền lãi

- Pr (Profit): lợi nhuận

- R (Rent): tiền thuê

- Ti (Indirect tax): thuế gián thu ròng

- De (Depreciation): phần hao mòn (khấu hao) tài sản cố định

Tính theo giá trị gia tăng: Phương pháp tính theo giá trị gia tăng là tổng tất cả giá trị gia tăng của nền kinh tế trong một thời gian nhất định.

Công thức: GDP = Giá trị tăng thêm + thuế nhập khẩu (hoặc) GDP = Giá trị sản xuất – chi phí trung gian + thuế nhập khẩu

Giá trị tăng thêm của từng ngành kinh tế gồm có:

- Thu nhập của người sản xuất như tiền lương, tiền công, tiền hiện vật, tiền bảo hiểm, tiền công đoàn,…

- Thuế sản xuất gồm có thuế hàng hóa và các chi phí khác.

- Khấu hao tài sản cố định

- Giá trị thặng dư

- Thu nhập khác

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN