Thứ bảy, 27/04/2024 | 01:33
RSS

GĐ Công an Đồng Nai 'vi phạm rất nghiệm trọng' đối diện mức kỷ luật nào?

Thứ sáu, 12/07/2019, 11:27 (GMT+7)

Ngày 8/7, Ủy ban Kiểm tra trung ương thông báo giám đốc và cựu giám đốc Công an Đồng Nai Huỳnh Tiến Mạnh và Nguyễn Văn Khánh "vi phạm rất nghiêm trọng". Vậy mức kỷ luật sẽ là gì?

VnExpress cho hay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Đồng Nai đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát. Công an Đồng Nai để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong hoạt động điều tra, xử lý các vụ án; trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, đất đai, tài chính, tài sản và công tác cán bộ; để nhiều cán bộ, chiến sĩ bị xử lý hình sự..

Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh (Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh) và Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh (nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Công an tỉnh) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, vụ việc căng thẳng và có dính dáng đến nhiều cán bộ chính là vụ trung úy CSGT Nguyễn Tấn Phước (công tác ở Phòng CSGT Đồng Nai) bắn chết người ở nhà trọ tại trung tâm Biên Hòa vào đầu năm 2018 (đã bị bắt giam).

Phước chính là tài xế riêng của thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh - giám đốc Công an Đồng Nai trước đây. Khi vụ án bắn người xảy ra, các cơ quan chức năng xác minh thì được biết tướng Khánh chính là người đồng ý cho các phòng cấp súng riêng cho Phước bảo vệ giám đốc. Vào thời điểm xảy ra vụ án cũng là lúc Phước đã được bố trí công tác ở Phòng CSGT Công an Đồng Nai và tướng Khánh đã về hưu.

GĐ Công an Đồng Nai 'vi phạm rất nghiệm trọng', mức kỷ luật sẽ là gì?
Ông Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Thanh Niên

Vì vậy, câu chuyện quản lý súng, quản lý ra sao để Phước mang súng bắn chết người đã được mổ xẻ. Từ đây, trách nhiệm đứng đầu của tướng Khánh, đại tá Huỳnh Tiến Mạnh (giám đốc Công an tỉnh) và cấp lãnh đạo Phòng CSGT qua các thời kỳ được yêu cầu giải trình về việc vì sao Phước có thể mang súng đi bắn người trong lúc không phải là giờ làm việc. 

Tại sao làm CSGT như Phước lại có thể mang súng đi giải quyết mâu thuẫn chuyện riêng tư? Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, trước khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết luận, đoàn công tác cũng đã đặt câu hỏi với tướng Khánh tại buổi công bố dự thảo kết luận rằng "giám đốc có được trang bị súng riêng để bảo vệ mình không?". Tướng Khánh không giải trình được.

Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai Huỳnh Tiến Mạnh, nguyên Giám đốc Nguyễn Văn Khánh và những vị lãnh đạo đương chức khác vi phạm gây hậu rất nghiêm trọng. Với vi phạm như vậy những người này sẽ phải đối diện mức kỷ luật nào?

Theo ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho Dân Việt biết, những cán bộ, đảng viên bị kết luận vi phạm sẽ thực hiện việc kiểm điểm tuần tự cấp dưới lên cấp trên.

Trước tiên họ sẽ phải thực hiện việc kiểm điểm trước chi bộ (nơi họ sinh hoạt), tự nhận hình thức kỷ luật. Chi bộ thảo luận, góp ý, và kết luận rõ nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân vi phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và biểu quyết kỷ luật. Việc kiểm điểm này tiếp tục được thực hiện ở cấp cao hơn và cuối cùng cấp có thẩm quyền sẽ quyết định thi hành kỷ luật.

Theo Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, hậu quả do hành vi vi phạm của đảng viên gây ra có 4 mức: Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng; vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng; vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Về hình thức kỷ luật có 4 mức (với đảng viên chính thức): Khiển trách; cảnh cáo; cách chức; khai trừ.

Theo ông Ngô Văn Sửu, đối với một đảng viên có chức vụ bị kết luận là vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng thông thường sẽ phải nhận hình thức kỷ luật cách chức vụ trong Đảng, sau đó sẽ bị xử lý chức vụ bên chính quyền, đoàn thể (nếu có).

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho Dân Việt biết, theo thẩm quyền đáng ra Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai phải là cơ quan phát hiện và kiểm tra và xử lý trước dấu hiệu vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Đồng Nai và các cá nhân. Tuy nhiên việc này lại phải Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, vi phạm, khuyết điểm mới được chỉ ra.

“Ở nơi nào cấp ủy Đảng cấp trên không phát hiện và kiểm tra, xử lý vi phạm của tổ chức Đảng cấp dưới hoặc kiểm tra, xử lý không để nơi, đốn chốn, để vi phạm kéo dài gây bức xúc dư luận xã hội sau đó cấp cao hơn phải vào cuộc xử lý, điều đó cho thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy Đảng nơi yếu kém”, ông Vũ Quốc Hùng nói.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN