LTS: Ngày 12/10/1986, một nhóm phu vàng đã bị những người Cơ Tu ở xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam bắt giữ và sát hại dã man. 19 người bị bắt thì 18 người đã bị tước đi mạng sống, chỉ duy nhất một người may mắn chạy thoát.
Ẩn mình để lẩn trốn sự truy sát
Ông Hòa kể, nhận tin báo của ông, Công an huyện Nam Giang (khi đó là huyện Giằng) và Công an tỉnh (khi đó là tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng) đã ngay lập tức vào cuộc điều tra. Theo ông Hòa, bởi tính chất nghiêm trọng của vụ án nên ông được đưa về công an tỉnh để phục vụ điều tra. Ông ở đó suốt nửa năm trời, khi vụ việc được làm sáng tỏ thì ông mới được về nhà.
UBND xã Tà Pơơ, nơi những người Cơ Tu sinh sống được xây dựng khang trang
Cũng theo nạn nhân may mắn thoát chết này thì đến khi vụ việc được đưa ra xét xử thì ông Hòa mới biết ngọn ngành câu chuyện vì sao nhóm tìm vàng của ông bị những người Cơ Tu thảm sát. Cũng chính tại phiên tòa ấy, ông mới biết là sau vụ hành quyết trên, ông vẫn bị những người những từng lạnh lùng xuống tay tước đoạt mạng sống của các chiến hữu ông ráo riết săn lùng.
Và, theo lời khai của những người tham gia vụ thảm sát trên thì đã có nhiều lúc họ đã tìm ra dấu tích của ông Hòa. "Chỉ có sự may mắn mới giúp tôi thoát chết", ông Hòa hãi hùng chia sẻ.
Ngay sau khi từ công an tỉnh trở về, không biết có phải do linh cảm hay tại những ám ảnh hãi hùng của vụ trọng án mà suốt một thời gian dài ông Hòa đã sống trong thấp thỏm lo sợ. "Lúc nào tôi cũng có cảm giác như ai đó đang theo đuổi, săn lùng mình", ông Hòa kể.
Đêm, chẳng khi nào ông yên giấc. Cứ nhắm mắt là những hình ảnh hãi hùng mà ông tận mắt chứng kiến lại lũ lượt ập về. Có lần, trong cơn mộng mị hãi hùng, ông còn thấy mình bị bắt và cũng bị hành quyết như những người bạn cùng hội tìm vàng.
Mưu sinh và cũng là muốn lìa xa quá khứ hãi hùng, ông Hòa đã khăn gói vào miền Nam rồi phiêu bạt tận mũi Cà Mau để ẩn mình trốn tránh. Bây giờ, dù vụ thảm sát đã lùi vào quá khứ xa xôi nhưng mỗi khi nhớ lại, ông vẫn thấy sống lưng mình lạnh toát.
Lần theo lời kể hãi hùng của ông Hòa, nạn nhân may mắn thoát chết từ vụ thảm sát đẫm máu năm nào, từ Đà Nẵng theo quốc lộ 14B, chúng tôi tìm về Tà Pơơ (huyện Nam Giang, Quảng Nam) để tìm lại những người đã gây ra vụ trọng án rúng động trên.
Nam Giang trước đây là hiện Giằng, đường đi lại vô cùng khó khăn. Khi vụ án kinh hãi trên xảy ra thì địa phương này vẫn là nơi heo hút, người dân tộc sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Người Cơ Tu, người Giẻ Triêng, người Ve ở đây lấy núi rừng làm nhà, muông thú là bè bạn.
Thời ấy, ai ở đồng bằng lên đây công tác thì chẳng khác nào "nhận trát"… đi đày. Năm 1986, năm xảy ra vụ trọng án rúng động này, con đường từ trung tâm huyện vào Tà Pơơ đang được mở. Và, cũng bởi vụ thảm án này mà việc thi công đường bị đình lại một thời gian dài. Công nhân làm đường sợ bị vạ lây, sợ bị truy sát nhầm nên đã lũ lượt bỏ về, không dám tiếp tục bám theo công trường nữa.
Bây giờ, đường vào Tà Pơơ đã thênh thang, nhựa trải sáng láng. Những ngôi nhà kiên cố xây theo kiểu miền xuôi đã chen lẫn những ngôi nhà hình mu rùa, kiểu nhà đặc trưng của người Cơ Tu. Trước khi tìm về mảnh đất này, trò chuyện với ông Hòa, nạn nhân may mắn thoát chết trong vụ thảm sát đẫm máu năm nào, ông Hòa bảo, từ sau sự cố kinh hoàng đó ông cũng không quay lại Tà Pơơ thêm một lần nào nữa. Phần vì đường xá xa xôi, phần vì bận mưu sinh, phần nữa là sợ những chuyện không hay sẽ lại xảy đến với mình.
Bởi thế, bản thân ông Hòa cũng không biết những người từng lạnh lùng sát hại chiến hữu của ông sau khi ra tù còn sống hay đã chết. Lần ấy, đến Tà Pơơ, chúng tôi cũng có cùng băn khoăn ấy.
Ám ảnh tội ác
Vào trụ sở UBND xã, chúng tôi được ông Kriêng Diệu, Trưởng Công an xã tiếp chuyện. Nhắc lại vụ án kinh hoàng này, ông Diệu cho hay, những người tham gia vụ thảm án năm xưa đa phần vẫn còn sống và vẫn định cư ở đất này. Đặc biệt, chủ mưu của vụ trọng án, ông A Lung Tría, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn sống ở thôn Vinh.
Theo chân ông Diệu, chúng tôi vào thôn Vinh để tìm ông Tría. Lần ấy, may mắn cho chúng tôi, ông Tría cũng vừa đi chữa bệnh ở trung tâm huyện về.
Ông Tría đã sống qua hơn 90 mùa rẫy. Cao tuổi nhất nhì thôn nhưng nước da vẫn hồng hào, đi lại hanh thoát. Tuy nhiên, mấy năm nay, bụng dạ ông có vấn đề, nhiều ngày đau ê ẩm.
Bởi đau đớn, không muốn ai làm phiền, ông Tría không ở nhà chính mà một mình nằm co ro trong căn chòi bé tí tẹo ngay trước nhà.
Trong căn chòi chật trội, nhắc lại chuyện xưa, nét mặt ông Tría thoáng chút hãi hùng. Ông bảo, đời ông lắm nỗi thăng trầm và cuối đời thì không có được cái kết đẹp giống như bộ phim trên ti vi. Và, nỗi thăng trầm nhiều bi kịch ấy khởi nguồn từ chính vụ án hãi hùng năm nào.
Trò chuyện, chúng tôi đã vô cùng bất ngờ khi biết trước đây, gia đình ông Tría thuộc dạng danh giá. Ông Tría theo cách mạng từ sớm. Ông làm liên lạc, rồi làm dân quân, đến năm 1960 đã làm Phó Bí thư xã.
Ông Tría bảo, vụ thảm sát năm nào khiến ông day dứt đến tận bây giờ
Sau giải phóng, ông làm bí thư xã và đến khi vụ thảm án kinh hoàng trên xảy ra thì ông vừa rời cương vị Phó Chủ tịch MTTQ huyện để nghỉ hưu được vài tháng.
Như những đồng bào Cơ Tu khác, ông Tría có nhiều con. Tuy 9 lần sinh nở nhưng đến giờ ông Tría chỉ còn một người con duy nhất. Ông bảo, thần linh không ưng cái bụng, không thương nên không muốn các con ông ở với ông nên lần lượt tìm đến bắt đi.
Có lẽ, cũng bởi nỗi sợ hãi mơ hồ ấy mà khi người con trai thứ ba, niềm hi vọng của cả gia đình là anh A Lung Nờ, khi đó đang làm giáo viên bị sát hại dã man đã khiến ông đi đến quyết định trả thù dại dột mà đến giờ ông vẫn còn dày vò, ân hận.
Hé lộ nguyên do của vụ hành quyết kinh hoàng
Như đã nói, vợ chồng ông Tría 9 lần sinh nở. Tuy nhiên, các con ông đã lần lượt bỏ vợ chồng ông mà về với Giàng ở nơi xa lắc. Anh con cả là người sáng dạ, được tập kết ra Bắc rồi được cử đi học ở Trung Quốc nhưng cũng không hiểu vì lý do gì mà chết mất xác ở xứ người.
Bởi thế, khi về hưu năm 1986, ông Tría dồn tất cả hi vọng vào người con thứ ba, anh A Lung Nờ, sinh năm 1958. Anh Nờ khi đó là giáo viên, dạy học ở trường nội trú huyện.
Trưởng Công an xã Tà Pơơ, anh Kriêng Diệu bảo, nơi đồng bào Cơ Tu sinh sống là một mỏ vàng khổng lồ. Con sông Bung chạy qua xã ngày trước vàng sa khoáng cũng ràn rạt. Bởi thế, người dân tứ xứ đã đổ về đây để tìm vàng.
Ông Tría kể, ngày trước, người miền xuôi đã lũ lượt kéo đến quê ông để tìm vàng
Theo ông Tría, dù người dưới xuôi nườm nượp kéo về, lần mò vào tận những sông sâu, suối cạn dưới những cánh rừng ở tít mù xa cũng chẳng khiến người dân bản địa bận tâm. Người Cơ Tu ở đây khi đó chẳng thích phú quý, giàu sang. Với họ, chỉ vui vày với núi rừng, nương rẫy là đủ.
“Thằng A Lung Nờ số nó phải chết thảm mà. Giá nó không theo người ta vào khe núi tìm vàng thì đâu nên chuyện”, ông Tría xót xa.
Ông Tría kể, lần đó từ trường về, con trai ông bảo muốn đi vào núi tìm cái vàng về bán để lấy tiền xây dựng quỹ cho trường. “Đám học sinh không có đủ gạo ăn, không có chăn đắp cho mùa đông sắp tới, các thầy giáo phải giúp thôi. Thằng Nờ đã nói với tôi như thế và để có tiền, nó rủ mấy thanh niên vào núi tìm vàng”, ông Tría kể lại.
Theo ông Tría, muốn gây quỹ cho trường, con trai ông, anh A Lung Nờ đã vào núi tìm vàng. Việc làm này đã khiến A Lung Nờ phải trả giá bằng mạng sống. Tìm được vàng, anh Nờ đã không may gặp cướp. Họ đã tước đi mạng sống của anh, người giáo viên hiền lành, tốt tính.
Mất mát quá lớn ấy đã khiến ông Tría và người dân thôn Vinh giận dữ. Cơn lôi đình làm mờ mắt lú đầu, ông Tría đã đi đến quyết định dại dột là trả thù cho con và gây ra cuộc thảm sát, vấy máu kinh hoàng mà đến giờ nhiều người vẫn còn khiếp sợ.
(Còn nữa)