Thứ sáu, 19/04/2024 | 11:41
RSS

Chuyện thật như đùa ở Hòa Bình: Khai thác vàng trái phép ngay trước cổng ủy ban, chính quyền bất lực

Thứ hai, 10/07/2017, 12:27 (GMT+7)

Cả một cánh đồng ruộng lúa mênh mông đã bị đào nát, “vàng tặc” xâm lấn đến… tận trụ sở UBND xã Mỵ Hòa (Kim Bôi, Hòa Bình). Nhìn những thửa ruộng bị xới tan tành người dân chỉ biết thở dài, đau xót.

Phá cả hecta ruộng tìm vàng

Trước đây, nhiều xã ở huyện Kim Bôi (Hòa Bình) trong đó có xã Mỵ Hòa từng là điểm nóng của tình trạng khai thác vàng trái phép, sông Bôi từng bị “vàng tặc” băm nát, xới tung. Thế nhưng, do tài nguyên đã cạn kiệt, phần vì bị truy quét quyết liệt nên khoảng 5 năm nay huyện Kim Bôi dường như vắng bóng “vàng tặc”.

Đãi vàng ở Kim Bôi

Đãi vàng ở Kim Bôi (Hòa Bình) được che chắn cẩn thận để qua mắt người dân

Dòng sông Bôi đỏ ngầu ngày nào giờ đã xanh màu trở lại. Bãi hoa màu 2 bên sông cũng không còn lo lắng bị xói lở khi vấn nạn “vàng tặc” không còn. Tuy nhiên, sự yên bình đó đang đánh lừa nhiều người và trong đó có cả người dân địa phương. Thực tế tại xã Mỵ Hòa, tình trạng khai thác vàng trái phép đang diễn ra với quy mô rất lớn và ngang nhiên ngoài sức tưởng tượng.

Theo thông tin được một người dân xã Mỵ Hòa cung cấp, thời gian gần đây một số hộ dân trong xã đã xin chuyển đổi mô hình từ ruộng lúa sang đào ao thả cả. Do Mỵ Hòa là vùng dất giàu tài nguyên vàng nên trong quá trình đào ao, người dân đã “tận thu” vàng.

Cảnh đãi vàng ở Mỵ Hòa (Kim Bôi, Hòa Bình)

“Nuôi cá ở vùng đá vôi này khó lắm. Chuyển đổi chỉ là hình thức, khai thác vàng là chính. Đây chỉ là cách để hợp thức hóa việc đãi vàng trái phép mà thôi”, anh Tuấn (tên đã được thay đổi) thôn Đồng Hòa 2 khẳng định.

Để tìm hiểu những nội dung phản ánh trên, một ngày đầu tháng 7, PV Đời sống Plus đã tìm về xã Mỵ Hòa. Trong vai những người đi thu mua nông sản, chúng tôi tìm đến thôn Đồng Hòa 2 nơi gia đình ông Đinh Trọng Điệp đang thực hiện dự án chuyển đổi từ ruộng sang ao.

Đãi vàng ở Hòa Bình

Bên trong, máy đào vàng ngang nhiên hoạt động

Được biết, nhà ông Điệp thuộc diện khá giả. Để thực hiện dự án đào ao thả cả ông Điệp đã mua lại ruộng của rất nhiều hộ dân trong thôn. Việc mua bán không thông qua chính quyền thôn, xã. Sau đó, ông Điệp bắt đầu triển khai phá ruộng đào ao và “tận thu” vàng.

Mặc dù công trình nằm cách xa đường liên xã cả trăm mét nhưng ông Điệp vẫn cho che đậy bằng lưới kín như bưng. Chúng tôi phải vào nhà một số hộ dân bên cạnh hỏi mua nông sản nhằm mục đích tiếp cận công trình của gia đình ông Điệp. Khác với sự im ắng bên ngoài, phía trong là một đại công trường khổng lồ. Cả cánh đồng rộng mênh mông đã biến thành ao hồ, đất đá đào nham nhở.

Theo thông tin PV có được, một ngày hôm trước, lãnh đạo xã vừa xuống hiện trường yêu cầu nhà ông Điệp dừng việc đào ao, đãi vàng. Tuy nhiên, thời điểm chúng tôi có mặt, một tốp người vẫn đang xả xịt, đãi vàng rầm rộ. Chỉ có 2 chiếc máy múc dừng hoạt động.

Đào vàng

Ruộng lúa biến thành cái ao sâu hàng chục mét

Để tiếp cận với nhóm người đang đãi vàng, chúng tôi tìm đến nhà ông trưởng thôn Quách Công Trình nhờ dẫn đường. Nhà ông Trình cách công trình chỉ vài trăm mét nhưng ông Trình tìm cách đưa chúng tôi đi đường vòng. Trên đường đi, ông Trình cũng tranh thủ gọi điện bảo “dừng, dừng ngay”. Đương nhiên, khi chúng tôi đến nơi máy nổ đã ngừng hoạt động, nhóm người đào vàng đã rút vào trong lán.

Khi PV đang chụp ảnh tại công trình nhà ông Điệp, một thanh niên cởi trần đi xe máy bất ngờ xuấy hiện và gằn giọng: “Các anh là ai, đến đây làm gì?”. Sau khi được ông trưởng thôn giới thiệu là nhà báo, người này nói: “Quan sát thì được nhưng đây là an toàn khu, cấm quay phim chụp ảnh”…

Nhận thấy sự căng thẳng, chúng tôi rút ra UBND xã. Mục đích tiếp cận một số công trình của ông Bùi Thanh Hương, Đinh Trọng Đạt, Hà Mạnh Tiến… nằm ngay trước trụ sỡ xã Mỵ Hòa cũng đổ bể bởi có vài thanh niên xăm trổ đầy mình đi theo chúng tôi như hình với bóng.

Công khai đào vàng trước sự bất lực của chính quyền

Làm việc với ông Bùi Xuân Hoàn - Chủ tịch UBND xã Mỵ Hòa, chúng tôi ngạc nhiên khi ông Hoàn cho biết: Những hộ dân như nhà ông Đạt, ông Điệp, ông Hương… đang phá ruộng đào ao là sai phạm. Chưa ai cho phép họ chuyển đổi từ ruộng sang ao, họ tự ý làm. Muốn chuyển đổi phải lập kế hoạch, có tờ trình, phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý Nhà nước.

Dai vang o Kim Boi

Theo ông Quách Công Trình, việc người dân đào vàng chỉ là tận thu

Theo ông Hoàn, những người tự ý phá ruộng đào ao (thực chất là đào vàng – PV) nói trên đều là người trong xã. Nhóm người này đã mua lại ruộng của nhiều hộ dân khác rồi tiến hành đào đãi vàng. “Từ năm 2013 đã diễn ra việc mua bán này. Có hàng chục hộ đã bán ruộng nhưng con số chính xác chúng tôi chưa nắm được. Việc mua ruộng sau đó đào ao là việc làm sai trái. Chúng tôi cũng đã nhiều lần lập biên bản, xử phạt”.

Tuy nhiên, ông Hoàn cũng thừa nhận, chính quyền xã không thể dẹp được việc làm sai trái trên. Tháng 2/2017, chính quyền xã từng lập biên bản xử phạt và bắt các hộ dân viết cam kết. Thế nhưng sau lần phạt đó việc đào vàng lại càng rầm rộ hơn.

Khi không thể ngăn chặn được “vàng tặc”, chính quyền xã Mỵ Hòa phải cầu cứu lên cấp trên. Nhiều báo cáo, đề xuất đã được gửi lên huyện Kim Bôi và cả công an tỉnh Hòa Bình. “Công an tỉnh và lãnh đạo huyện đã về nhưng… thực tế bây giờ vẫn vậy. Ngày 29/6, tôi tiếp tục gửi báo cáo lên huyện nhưng đến giờ vẫn chưa thấy hồi âm”, ông Hoàn trình bày.

Chưa có con số chính thức nhưng theo ông Hoàn, ước tính đã có hơn 1ha ruộng trồng lúa đã bị “vàng tặc” biến thành ao. Thế nhưng, theo quan sát của PV, số diện tích ruộng đã bị phá phải lớn hơn nhiều.

Đào vàng ở Hòa Bình 1

Cách cổng UBND xã không xa, nhiều thửa ruộng đang tiếp tục được quây lưới bị đào bới

Hiện tại, lãnh đạo xã Mỵ Hòa vẫn đang chờ chỉ đạo từ cấp trên, trong khi “vàng tặc” vẫn tiếp tục công việc phá ruộng tìm vàng. Lán trại tiếp tục được dựng lên, máy móc tập kết ngổn ngang, điện kéo tận chân công trình. Việc khai thác quy mô, bài bản còn hơn cả các doanh nghiệp được cấp phép.

Xưa nay nói đến “vàng tặc” mọi người nghĩ ngay đến một nhóm đào vàng trộm một nơi nào đó trên rừng thiêng nước độc. Thế nên, việc một số hộ dân đào đãi vàng công khai, đào sát 2 bên đường Quốc phòng, đào cạnh Quốc lộ 12B và ngay cả trước trụ sở UBND xã Mỵ Hòa khiến người dân ở đây cứ ngỡ là Nhà nước đã đồng ý cho các hộ dân phá ruộng đào ao.

Vì sao nhóm đào vàng trộm lại công khai, ngang nhiên đến vậy? Có hay không các hộ dân khai thác vàng trái phép này đang được sự bảo kê từ một thế lực nào đó khiến cả chính quyền xã gần như “tê liệt”?...

(Còn nữa)

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN