Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:11
RSS

Khai thác vàng trái phép ngay trước cổng UBND: Xã và huyện “đá bóng” cho nhau

Thứ tư, 12/07/2017, 08:50 (GMT+7)

Để “vàng tặc” lộng hành phá nát cả hecta ruộng lúa ngay trước cổng ủy ban, lãnh đạo huyện Kim Bôi cho rằng lỗi thuộc về xã Mỵ Hòa trong khi lãnh đạo xã nói họ không đủ thẩm quyền để xử lý.

Xử lý “vàng tặc” bằng… báo cáo

Như Đời sống Plus đã phản ánh, tại xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) một số cá nhân ngang nhiên phá ruộng đào đãi vàng công khai trước sự bất lực của chính quyền xã. Có khoảng hơn 1 hecta ruộng đã bị “vàng tặc” đào nát.

Điều kỳ lạ là việc “vàng tặc” hoành hành này xã biết, huyện biết và cả Công an tỉnh Hòa Bình cũng biết nhưng sau cùng, tất cả đều vào cuộc dẹp nạn “vàng tặc” bằng những thông báo, chỉ đạo trên văn bản là chính.

đào vàng ở Kim Bôi

Ruộng đồng tan nát vì nạn đào vàng ở Kim Bôi

Ông Bùi Xuân Hoàn - Chủ tịch UBND xã Mỵ Hòa cho biết, đầu năm 2017 trước việc nhiều cá nhân tự ý phá ruộng để đào ao trái phép và “tận thu” khoáng sản, chính quyền xã Mỵ Hòa đã vào cuộc. Cơ quan chức năng đã nhắc nhở, tuyên truyền và sau đó cũng phạt tiền một số cá nhân.

Tuy nhiên, xử lý hôm trước hôm sau các cá nhân tiếp tục vi phạm, thậm chí mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn. Các đối tượng đưa nhiều máy múc cỡ lớn vào khai thác cả ngày lẫn đêm. Những thửa ruộng gắn bó với bà con người Mường từ bao đời nay bỗng biến thành đại công trường khai thác vàng.

Trước thực trạng này, ngày 9/3/2017 UBND xã Mỵ Hòa đã có đề nghị gửi lãnh đạo huyện Kim Bôi; Phòng PC49 Công an tỉnh Hòa Bình. Đề nghị nêu ý kiến của cử tri: “Hiện nay đang diễn ra việc một số hộ gia đình có điều kiện về kinh tế đã tự thỏa thuận với các hộ có đất ruộng lúa để mua lại với mục đích phá hủy mặt bằng, thay đổi hiện trạng đất để khai thác khoáng sản trái phép làm thu hẹp diện tích đất trồng lúa ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp”.

Xã Mỵ Hòa thừa nhận phản ánh trên là chính xác và có đề nghị “Chủ tịch UBND huyện; Phòng TN&MT huyện Kim Bôi; Phòng PC49 Công an tỉnh Hòa Bình xem xét, xử lý”.

Sau khi nhận được đề nghị của xã Mỵ Hòa, Phòng PC49 Công an tỉnh Hòa Bình cũng đã về kiểm tra. Cụ thể, “PC49 đã có về 2 buổi làm việc lập biên bản thụ lý hồ sơ các trường hợp nêu trên”. Ngày 29/5/2017, Thường trực huyện ủy Kim Bôi cũng có buổi làm việc với xã Mỵ Hòa và giao nhiệm vụ cho xã phải chấm dứt và xử lý các đối tượng vi phạm.

đãi vàng ở Kim Bôi

Ông Bùi Xuân Hoàn thừa nhận chính quyền xã không dẹp nổi “vàng tặc”

Thực hiện chỉ đạo, các phòng chuyên môn xã Mỵ Hòa… tiếp tục vận động, tuyên truyền. Theo báo cáo mới nhất của UBND xã Mỵ Hòa gửi huyện Kim Bôi ngày 29/6: “Đến nay trên địa bàn xã Mỵ Hòa không còn tình trạng múc ao phá hủy mặt bằng đất nông nghiệp để xịt xả khai thác tận thu khoáng sản. Nhưng hiện tại trên địa bàn xóm Đồng Hòa 2 vẫn còn 5 máy múc xúc nằm tại địa bàn và 3 công tơ điện 3 pha có nguy cơ tiềm ẩn hoạt động khai thác trở lại”.

Thực tế những gì PV ghi nhận cho thấy, báo cáo trên không hề chính xác. Liên tiếp những ngày đầu tháng 7 và mới nhất là ngày 10/7, khi chúng tôi có mặt tại đây, nhiều “bưởng vàng” vẫn khai thác. Một số “ông chủ” ở đây còn cố tình hối lộ PV, số khác dùng điện thoại ghi lại biển số xe, chụp ảnh và đe dọa sẽ “xử” nhà báo.

“Hãy hiểu cho xã!”

Làm việc với lãnh đạo huyện Kim Bôi, cả ông Lê Đức Hùng – PCT UBND huyện và ông Nguyễn Việt Hòa – Trưởng phòng Tài nguyên môi trường đều xác nhận, việc khai thác vàng trái phép ở xã Mỵ Hòa là có thật. Ông Hùng cho rằng, để xẩy ra tình trạng trên lỗi thuộc về xã Mỵ Hòa.

đãi vàng

Những bản cam kết được kí như để lấy lệ

“Ở xã Mỵ Hòa có mấy hộ gia đình xin chuyển đổi từ ruộng sang đào ao nuôi trồng thủy sản nhưng huyện không đồng ý. Dù vậy, người dân vẫn tự đào ao. Số hộ vi phạm này cũng từng bị xử phạt nhưng họ vẫn tiếp tục vi phạm”, ông Hùng nói.

Theo con số báo cáo, chỉ có 1 hộ dân tại xã Mỵ Hòa được chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao nuôi trồng thủy sản là hộ ông Nguyễn Văn Hải, thôn đồng Hòa 1. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cũng gây tranh cãi trong dân (Chúng tôi sẽ phản ánh sau).

Ông Hùng nói rằng, khi biết được thực trạng khai thác vàng trái phép ở xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi đã làm việc với xã Mỵ Hòa và đã yêu cầu Chủ tịch xã thực hiện nghiêm việc quản lý tài nguyên khoáng sản. Với những hộ vi phạm, yêu cầu chấm dứt ngay và hoàn trả lại mặt bằng.

Trả lời PV về việc chính quyền xã Mỵ Hòa gần như bất lực trước nạn vàng tặc nên đã phải “cầu cứu” lên huyện, lên tỉnh bằng các báo cáo và cả đề nghị, sao huyện Kim Bôi không hỗ trợ xã Mỵ Hòa? Ông Bùi Duy Hưng – Phó phòng tài nguyên huyện Kim Bôi nói: “Xã Mỵ Hòa đủ thẩm quyền và khả năng để xử lý việc này”.

Trong khi đó, vị PCT huyện Kim Bôi cũng chia sẻ: “Từ trước đến nay huyện luôn quyết liệt trong việc xử lý vàng tặc. Xã Mỵ Hòa cần quyết liệt và tích cực hơn trong việc này, không phải việc gì cũng có thể kêu lên huyện”.

Nói về trách nhiệm của UBND xã, ông Bùi Xuân Hoàn trình bày: “Mong các anh hiểu cho chúng tôi, các đối tượng vi phạm này rất manh động. Xã cũng đã rất tích cực nhưng không thể dẹp được. Hơn nữa, quyền hạn chúng tôi cũng có hạn. Chúng tôi chỉ có thể lập biên bản, tịch thu phương tiện máy móc có giá trị dưới 5 triệu đồng, trong khi đó họ đưa nhiều máy múc vào khai thác thì phải làm sao”.

Đãi vàng

“Vàng tặc” đã xâm phạm đến tận đường quốc phòng

Trong một thời gian dài, xã báo cáo lên huyên, còn huyện… chỉ đạo lại cấp xã. Kết quả cuối cùng là “vàng tặc” vẫn ung dung hoạt động công khai. Người dân bức xúc nhưng cũng chẳng biết kêu ai.

Những gì đang diễn ra tại xã Mỵ Hòa làm nhiều người liên tưởng đến vụ việc 5 chiến sỹ công an Hòa Bình bị người dẫn xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi bắt giữ vào năm 2013. Thời điểm đó, vấn nạn “vàng tặc” hoành hành khiến người dân rất bức xúc.

Nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng không được giải quyết, người dân trong thôn đã “tự xử” khi bắt trói cả cán bộ thôn lẫn một số “vàng tặc”. Người dân cũng tịch thu hết các dụng cụ khai thác vàng. Khi phòng Cảnh sát Môi trường tỉnh về, người dân đã bắt trói 5 cán bộ công an tỉnh và huyện. Sau đó, lãnh đạo công an tỉnh phải về tuyên truyền, giải thích những đối tượng quá khích mới thả cán bộ.

Bài học 5 năm về trước xem ra vẫn còn chưa cũ và có thể sẽ lặp lại nếu huyện Kim Bôi không sớm vào cuộc giải quyết vấn nạn “vàng tặc” tại xã Mỵ Hòa. Ông Lê Đức Hùng khẳng định, ngay trong tháng 7 này, huyện sẽ trực tiếp về xử lý dứt điểm việc. Những đối tượng đã phá hủy mặt bằng sẽ phải hoàn trả lại như cũ.

Về thông nghi vấn, có hay không nhóm “vàng tặc” được bảo kê? Ông Hùng đã phủ nhận và có lẽ kết quả của đợt xử lý sắp tới sẽ là câu trả lời thỏa đáng nhất cho những nghi ngờ nói trên.

Đời sống Plus sẽ tiếp tục thông tin thêm về vụ việc này.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN