Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:32
RSS

Gạo Việt 10.000 đồng/kg: Dân mình còn chê không ăn

Chủ nhật, 19/03/2017, 07:57 (GMT+7)

Chất lượng gạo Việt Nam bị đánh giá thấp, nhiều chủng loại, không đồng đều, còn số lượng người ngày càng muốn ăn gạo chất lượng cao càng tăng.

Gạo Việt thất thế

“Ngành lúa gạo sẽ có tương lai ảm đạm nếu tiếp tục duy trì diện tích và sản lượng như hiện nay”, khuyến nghị quan trọng của các chuyên gia Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) về thị trường lúa gạo Việt Nam

Ông Đặng Quang Vinh, nghiên cứu viên CIEM, cho rằng phải chuyển đổi tư duy trọng cung, duy lượng sang tư duy trọng chất, đặc biệt coi trọng năng suất lao động và thu nhập của người dân. Ông Vinh cũng thẳng thắn đề nghị bỏ mục tiêu duy trì sản lượng 39-40 triệu tấn thóc, xuất khẩu 6 tấn gạo.

Gạo Việt Nam bị gạo 'ngoại' cạnh tranh ngay trên sân nhà

Khi nói về tầm quan trọng của chất lượng gạo, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nói rằng giờ chẳng ai ăn gạo 10.000 đồng/kg nữa, gạo 10.000 đồng/kg chỉ để xuất khẩu thôi.

Từ đó, vị chuyên gia này đặt vấn đề đưa đẳng cấp gạo Việt Nam lên tầm mới, tức nâng chất lượng, thêm phần chế biến. Bởi, hiện nay chúng ta mới chỉ xuất khẩu gạo đơn thuần, trong khi giá trị hạt gạo còn ở chỗ có thể dùng chế biến tinh dầu gạo, sữa gạo, hóa Mỹ phẩm, phụ phẩm, thức ăn chăn nuôi,...

Trong một nghiên cứu gần 150 trang về thị trường lúa gạo Việt Nam, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định: Việc quá chú trọng đến tăng sản lượng dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không cao, thị trường xuất khẩu tập trung vào phân đoạn gạo cấp thấp, kém đa dạng, và đặc biệt đang phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc Khi bên mua gặp khó khăn, giảm giá lập tức tạo sức ép lên toàn bộ thị trường nội địa, gây thiệt hại cho các thành phần trong chuỗi sản xuất lúa gạo trong nước.

Vì thế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay, thị trường nội địa cho hạt gạo cần phải được chú ý chứ không chỉ chăm chăm xuất khẩu. Phải tổ chức lại thị trường gạo.

“Cần khuyến khích DN xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, chí ít cũng là thương hiệu gạo DN, để người dân tin tưởng”, bà Lan mong mỏi.

Do đó, trong báo cáo, VEPR khuyến nghị: "Đã đến lúc ngành lúa gạo Việt Nam cần hướng về thị trường nội địa - vốn chiếm 80% sản lượng lúa gạo cả nước và 30-40% sản lượng lúa gạo của ĐBSCL... Sự thành công của việc xây dựng thương hiệu gạo Việt cho người Việt mới là nền tảng vững chắc để giúp gạo Việt có thể vươn xa".

Hạt gạo bị trói

Chất lượng hạt gạo có vấn đề, cả tiêu thụ trong nước lẫn cho xuất khẩu. Nhưng trớ trêu là, ngay cả xuất khẩu thì hạt gạo cũng vướng nhiều hàng rào.

Rà soát các quy định liên quan đến xuất khẩu gạo, ông Đặng Quang Vinh, nhận thấy đó là một sân chơi có “rào cản gia nhập cao”, với nhiều quy định ngặt nghèo tại Nghị định 109, về quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo,...

Xây dựng thương hiệu gạo Việt là rất quan trọng.

“Hệ quả là cạnh tranh không lành mạnh, xin - cho, tiêu cực, tạo ra động cơ ‘ngồi mát ăn bát vàng’, tiếp tục duy trì mô hình sản lượng cao, chất lượng thấp, giá thấp”, ông Vinh nhận xét.

Nay Bộ Công Thương đã bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo và đang trong quá trình sửa Nghị định 109 , song trước mắt vẫn còn nhiều quy định khiến hạt gạo bị trói buộc.

2 năm gần đây, đi nhiều nơi ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Bà Lan nhận xét: Hiệp hội Lương thực Việt Nam được trao quyền nhiều quá. Nghị định 109 thì can thiệp quá sâu vào xuất khẩu gạo. Theo bà, ít có ngành nào phải chịu vai trò của nhà nước quá lớn, ngược lại sự phát triển như với ngành lúa gạo.

Bà Lan cũng lý giải rằng, hạt gạo bị nhiều trói buộc vì nỗi ám ảnh an ninh lương thực hằn sâu trong kí ức của nhiều người, từ khi còn thiếu đói cho đến khi xuất khẩu hàng triệu tấn gạo như hiện nay. Nỗi ám ảnh đó, theo bà Lan, giờ phải được xóa bỏ.


Theo Vietnamnet