Dự báo, thị trường các sản phẩm thời trang xách tay vốn được ưa chuộng sẽ phần nào bị tác động trước những động thái mới này.
Rục rịch mở cửa hàng
Theo tin từ trang Inside Retail Asia, H&M Việt Nam đã bắt đầu tuyển nhân viên cho cửa hiệu sắp mở. Theo đó, chi nhánh Việt Nam của tập đoàn bán lẻ thời trang Thụy Điển H&M sẽ chọn Hà Nội thay vì TPHCM để mở cửa hiệu H&M đầu tiên tại VN. Theo quảng cáo tuyển dụng, cửa hiệu H&M sẽ rộng khoảng 2.000m2, tuyển dụng khoảng 100 nhân viên. Những người được tuyển sẽ được đưa ra nước ngoài đào tạo từ 3-5 tháng trước khi quay trở về Việt Nam để bắt tay vào việc mở cửa hàng.
Ngoài ra, HM cũng sẽ tuyển nhân viên ở TPHCM - nơi cửa hiệu thứ hai dự kiến được mở tại khu Vincom Thảo Điền thuộc quận 2. Theo thống kê, hãng thời trang nhanh H&M hiện có khoảng 4.300 cửa hiệu tại 64 thị trường trên toàn cầu. Ngoài Việt Nam, các thị trường mà H&M sẽ tiến vào trong năm nay có Georgia, Colombia, Iceland, và Kazakhstan.
Theo ghi nhận trên các “chợ mạng” hiện nay, hoạt động kinh doanh hàng xách tay H&M, Zara… nói chung đang vô cùng nhộn nhịp. Trên mạng xã hội Facebook, chỉ cần nhập từ khóa “hàng xách tay H&M” vào thanh tìm kiếm đã hiện ra hàng chục hội nhóm chuyên kinh doanh các sản phẩm của thương hiệu đình đám này. Không những vậy, nhiều “tín đồ” mua sắm còn truyền nhau những trang facebook cá nhân nổi tiếng trong cộng đồng mạng để “săn lùng” hay order (đặt hàng) những mẫu mã thời thượng nhất.
Là một khách hàng chuyên săn đồ trên mạng, chị N.Thùy (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Mình chuộng đồ Zara, H&M, Mango… từ nhiều năm rồi. Đây cũng là xu hướng của nhiều bạn trẻ thích gu thời trang nhã nhặn, thanh lịch và rất dễ mặc. Để mua được các mẫu mới, mình không còn cách nào khác là phải order qua mạng vì sợ mua phải hàng fake”.
Thị trường buôn bán đồ xách tay nhộn nhịp trên mạng
Khách hàng sẽ cân nhắc
Việc các “ông lớn” trong ngành thời trang nhanh rục rịch mở cửa hàng khiến nhiều tín đồ mua sắm mừng rỡ, song lại khiến nhiều chủ shop kinh doanh online khá hoang mang.
Chị Thùy, một tín đồ thời trang hàng hiệu - tỏ ra vui mừng song không quá ngạc nhiên. Chị cho biết, các tín đồ mê hàng hiệu thường “săn” mua hàng vào thời điểm các hãng tung ra đợt sale để giảm chi phí. Theo đó, có những sản phẩm được giảm rất mạnh, thậm chí lên tới 70%. “Mua đồ sale bằng cách order trên mạng rẻ hơn nhiều, cộng với cả phí ship, vận chuyển. Sau này nếu có store (cửa hàng), mình sẽ khảo sát giá ở cả trên mạng và ngoài cửa hàng để xem nên mua ở đâu thì hợp lý”.
Tương tự, chị B.Ngọc - nhân viên văn phòng tại Ba Đình (Hà Nội) cũng cho biết: “Khi Zara, H&M hay các thương hiệu thời trang đình đám khác có mặt tại VN thì mình sẽ có cơ hội đến xem và thử trực tiếp. Tuy nhiên, hàng đặt mua từ website nước ngoài thường có nhiều mẫu mã mới và đa dạng hơn nên mình vẫn sẽ mua qua mạng nếu tìm được sản phẩm ưng ý”.
Trao đổi với PV, chị Nhung - chủ một shop kinh doanh hàng thời trang xách tay cho biết: Các thương hiệu thời trang được ưa chuộng ở VN như Zara, Asos, Bershka, Uniqlo, H&M, Matalan... hầu hết là các thương hiệu thời trang bình dân ở nước ngoài. Giá cả vừa túi tiền dân công sở nên dễ mua bán, số lượng tiêu thụ lớn. “Cửa hàng mình vừa bán tại cửa hàng, vừa bán hàng order qua facebook rất tiện lợi mà không tốn chi phí mặt bằng nên giá cả hợp lý. Tiêu chí của mình là hàng chuẩn, order nhanh để giữ chân khách” - chị Nhung nói. Vì vậy, chị cho biết không quá lo lắng khi bị cạnh tranh. Để đa dạng mặt hàng, chị sẽ kinh doanh thêm hàng mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em... tìm thị trường “ngách” để tồn tại.