Thứ bảy, 18/01/2025 | 10:36
RSS

Gần 600 cán bộ dân số ở Thanh Hóa mất việc

Chủ nhật, 19/07/2020, 07:13 (GMT+7)

Trước năm 2020 tỉnh Thanh Hóa có 635 cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ. Sau khi sáp nhập thôn, xã, đến nay tỉnh còn 559 người làm trong lĩnh vực này, hầu hết có thời gian công tác hơn chục năm nhưng hiện mất việc vì tỉnh bỏ cán bộ dân số.

Ngày 12/12/2019, Nghị quyết số 232/2019/NQ-HĐND tỉnh Thanh Hóa không còn chức danh cán bộ dân số xã. Gần 600 con người đang công tác trong lĩnh vực DS-KHHGĐ bị bỏ rơi, bơ vơ không có việc làm. 10 cán bộ DS-KHHGĐ cấp xã ở huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) đã cùng ký đơn gửi Bộ Y tế, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa và ban các ngành liên quan.

Đơn nêu: "Chúng tôi là cán bộ DS - KHHGĐ của 10 xã, thị trấn tại huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) tính đến thời điểm tháng 6/2020. Thế nhưng, hiện tại chúng tôi đang có nguy cơ bị thất nghiệp, hoặc "đẩy" ra đường. Lý do: Ngày 12/12/2019, HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số: 232/2019/NQ-HĐND.

Theo Nghị quyết này quy định về chức danh, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố... Mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố. Mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh... Vì vậy, một số xã trên địa bàn huyện Lang Chánh đã miễn nhiệm, bãi bỏ hoặc cho kiêm nghiệm chức danh DS -KHHGĐ".

Anh Phạm Văn Công (37 tuổi) đã làm cán bộ DS - KHHGĐ xã Giao Thiện (Lang Chánh) cách đây 10 năm. Anh cho báo GDTĐ biết, thời điểm đó, Bộ Y tế có chủ trương tuyển dụng cán bộ làm công tác DS – KHHGĐ. Cũng như anh Công, có người đã làm việc và chờ đợi từ 10 - 15 năm. "Những năm tuổi trẻ, chúng tôi đã cống hiến cho ngành DS - KHHGĐ. 

Đến bây giờ, tuổi đã nhiều, muốn xin đi làm công nhân cũng khó. Còn trở về làm nông, lâm nghiệp thì tuổi đã cao, sức khỏe cũng giảm... Do đó, chúng tôi rất tha thiết được Bộ Y tế, các cơ quan chức năng có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa tuyển dụng làm viên chức trạm Y tế xã. Hoặc, có hướng giải quyết cụ thể, hợp tình hợp lý với những người làm công tác DS - KHHGĐ ở tuyến xã lâu năm như chúng tôi", anh Công đề nghị.

Chị Lữ Thị Hiền (32 tuổi) – cán bộ DS - KHHGĐ xã Tam Văn, 12 năm công tác trong ngành, nói: "Từ khi có Thông tư của Bộ Y tế, nhiều tỉnh, thành trên cả nước sắp xếp, bố trí cán bộ DS - KHHGĐ xã là viên chức trạm y tế. Thế nhưng, đến nay tỉnh Thanh Hóa, vẫn không bố trí, sắp xếp cho chúng tôi, mà chỉ giao làm cán bộ không chuyên trách mà thôi. Trong khi đó, phụ cấp từng tháng qua các năm, chúng tôi chưa bao giờ được nhận quá 1 triệu đồng. Mặc dù phụ cấp ít ỏi như vậy, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ".

Anh Lê Văn Hoàng (32 tuổi) – cán bộ DS - KHHGĐ xã Tân Phúc, chia sẻ: "Năm 2013, anh chị em chúng tôi còn được tổ chức đi học lớp nghiệp vụ DS -KHHGĐ để chuẩn vào viên chức. Lớp học nàydo Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa đào tạo và đã được cấp chứng chỉ nghiệp vụ dân số. Nhưng đến nay, chúng tôi không những không được tuyển dụng, mà còn bị bãi nhiệm, hoặc cho thôi việc để ngành khác kiêm nhiệm".

Trao đổi với VietNamNet, Trưởng phòng Tổ chức Sở Y tế Thanh Hóa Đoàn Nam Hương cho biết, ngày 15/6, Sở đã có báo cáo, đề xuất với tỉnh về tổ chức, bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ.

Thanh Hóa: Gần 600 cán bộ dân số bỗng mất việc
Sở Y tế báo cáo tỉnh, cho xin cho trạm y tế kiêm nhiệm vụ dân số. Ảnh: Vietnamnet  

Theo ông Hương, trước năm 2020 toàn tỉnh có 635 cán bộ công tác DS-KHHGD xã, nay sáp nhập xã còn 559 người được hưởng phụ cấp bằng 0,7 mức lương cơ bản. 100% cán bộ dân số xã có bằng chuyên môn từ trung cấp trở lên và hầu hết đã được đào tạo kiến thức cơ bản về DS-KHHGĐ 3 tháng.

Hiện nay, theo Nghị quyết số 232/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh không còn chức danh cán bộ dân số xã. Do đó, Sở Y tế đề xuất đối với cán bộ dân số xã giao cho trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện công tác dân số.

“Hiện nay theo theo Nghị quyết của HĐND tỉnh thì không còn chức danh dân số. Hơn nữa những cán bộ này là thuộc bên chính quyền, không phải ngành dọc của Sở Y tế quản lý. Do vậy, để tuyển dụng những người này vào trạm y tế là vượt quá thẩm quyền của Sở. Cái này phải do tỉnh quyết định”, ông Hương cho biết. Về vấn đề trên, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa Trịnh Hữu Hùng cho biết, ông cũng rất trăn trở cho những cán bộ làm công tác dân số nhiều năm trước đó.

Trước đó, ngày 17/3/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 2048 về việc bổ sung biên chế sự nghiệp y tế cho Thanh Hóa, tổng số 2.911 biên chế.

Theo đó, yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh thống kê, làm rõ chức danh cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ tại trạm y tế xã. Trên cơ sở đó, đề xuất bổ sung số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập (biên chế sự nghiệp y tế) để thực hiện việc chuyển đổi nhân viên y tế hợp đồng lao động tại các trạm y tế cấp xã thành nhân viên chính thức.

Ngày 22/5, Bộ Y tế cũng có văn bản số 2822/BYT-TCDS về việc ổn định tổ chức, bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ trong đó có nội dung nêu rõ: Đối với những tỉnh/thành phố đã tuyển dụng viên chức/chuyên trách dân số xã thì giao cho trạm ytế quản lý.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN