Thứ sáu, 19/04/2024 | 17:41
RSS

Gần 22 triệu người nhiễm Covid-19 trên toàn cầu

Thứ hai, 17/08/2020, 09:52 (GMT+7)

Thế giới đã ghi nhận gần 22 triệu người nhiễm Covid-19, gần 773.000 người chết, nhiều nước tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm mới tăng đột biến, Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất toàn cầu.

Sự kiện:
Covid-19 Mỹ

Gần 22 triệu người nhiễm Covid-19 trên toàn cầu

Gần 22 triệu người nhiễm Covid-19 trên toàn cầu.

Theo trang web worldometers.info, tính đến 6h ngày 17/8, thế giới có hơn 21,7 triệu ca nhiễm virus corona chủng mới, 772.244 trường hợp tử vong, và hơn 14,5 triệu ca đã hồi phục. Trong đó Mỹ, Brazil, Ấn Độ lần lượt là các nước dẫn đầu về số ca nhiễm.

Cụ thể, Mỹ có 34.332 ca nhiễm mới và 466 ca tử vong do Covid-19 mới. Cho đến nay, nước này có tổng cộng 5,5 triệu ca nhiễm virus corona chủng mới và 173.072 ca tử vong. Khi thời điểm khai giảng mùa thu tới gần, ngày càng có nhiều trường học và giáo viên ở Mỹ lên tiếng phản đối việc tổ chức các lớp học trực tiếp vì tình hình dịch bệnh. 

Khu vực Mỹ Latinh đang có 5 quốc thuộc nhóm 10 nước có nhiều ca dương tính với virus corona nhất thế giới gồm: Brazil (vị trí thứ 2), Peru (vị trí thứ 6), Mexico (7), Colombia (8) và Chile (9). Đây cũng là khu vực còn nhiều nước có trên 1.000 ca nhiễm virus mới mỗi ngày, theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới.

Tại Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ca tử vong đã tăng lên 107.852 sau khi ghi nhận thêm 555 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 22.365 trong 24 giờ qua, lên 3.340.197. Kết quả cuộc khảo sát được công bố hôm 15/8 trên tờ Folha de Sao Paulo cho thấy 47% người tham gia tin rằng Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro không chịu trách nhiệm về đại dịch Covid-19 tại đất nước, trong khi 11% có quan điểm ngược lại, coi đây là lỗi của ông. Cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 11-12/8 bằng cách gọi điện cho 2.065 người.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 58.108 ca nhiễm và 961 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 2.647.316 và 51.045. Thủ tướng Narendra Modi hôm 11/8 kêu gọi các lãnh đạo địa phương tăng cường xét nghiệm và truy vết tiếp xúc, trong bối cảnh giới chuyên gia lo lắng hệ thống y tế vốn chịu nhiều gánh nặng không thể đối phó được đại dịch khi virus tràn lan trong cộng đồng.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 68 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 15.685. Số ca nhiễm tăng thêm 4.969, lên 922.853. Tình hình dịch bệnh tại nước này dường như đã được kiểm soát, khi các số liệu có xu hướng giảm dần. Bộ Y tế Nga hôm qua thông báo quá trình sản xuất vaccine phòng chống nCoV do Viện Nghiên cứu Khoa học về Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamaleya phát triển đã bắt đầu.

Giới chức Nga cho hay họ có khả năng sản xuất tới 500 triệu liều vaccine Sputnik V trong 12 tháng tới. Quy trình sản xuất dự kiến cũng được tiến hành ở nước ngoài và các thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn ba sẽ sớm triển khai ở Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Arab Saudi và Philippines.

Nam Phi, vùng dịch thứ năm thế giới, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi với 587.345 ca nhiễm và 11.839 ca tử vong, tăng lần lượt 3.692 và 162 ca. Trung tâm tài chính Gauteng cùng hai tỉnh phát triển du lịch là Tây Cape và Đông Cape đã chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm mạnh mẽ trong nhiều tháng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize tuần trước cho biết ba điểm nóng này đang dần hạ nhiệt trong những tuần gần đây, dù chưa rõ đỉnh dịch tại nước này đã qua hay chưa.

Anh báo cáo thêm 1.040 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số lên 318.484, trong đó 41.366 người chết, tăng 5 trường hợp. Theo báo cáo của Viện Khoa học Y khoa Anh, trong trường hợp xấu nhất, làn sóng Covid-19 thứ hai có thể khiến 120.000 người chết từ tháng 9/2020 tới tháng 6/2021.

Các biện pháp hạn chế gần đây được tái áp đặt tại một số địa phương ở miền trung và miền bắc nước Anh cùng thành phố Aberdeen của Scotland, nơi những quán rượu và nhà hàng phải đóng cửa, trong khi lệnh hạn chế đi lại được gia hạn.

Tuy nhiên, bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch, trẻ em Scotland đã trở lại trường học lần đầu tiên sau 5 tháng, trong bối cảnh các lãnh đạo khắp nước Anh đang cố gắng tái mở cửa ngành giáo dục Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông "rất ấn tượng" với sự chuẩn bị để ngăn chặn virus trong các lớp học

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 161.253 ca nhiễm và 2.665 ca tử vong, tăng lần lượt 3.420 và 65 ca. Thủ đô Manila và các vùng lân cận như Laguna, Cavite, Rizal và Bulacan tái áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong vòng hai tuần từ 4/8 đến 18/8 do số ca nhiễm mới tăng nhanh chóng sau khi hạn chế được nới lỏng hồi tháng 6.

Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 139.549 ca nhiễm, tăng 2.081 trường hợp so với hôm trước, trong đó 6.150 người chết, tăng 79 ca.

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 55.747 người nhiễm, tăng 86 ca. 27 người chết vì nCoV. Tuần trước họ đã hoàn thành xét nghiệm lao động nhập cư sống trong ký túc xá và đang tiến hành nới lỏng các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn.

Một số nước khác trong khu vực vẫn đang trong trạng thái kiểm soát tốt dịch bệnh. 

Thanh Mai (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN

CÙNG CHUYÊN MỤC

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, một trận động đất lớn với cường độ 7,4 độ richter đã xảy ra ngoài khơi bờ biển phía đông Đài Loan khiến cảnh báo sóng thần cho hòn đảo và miền nam Nhật Bản.