Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:01
RSS

Đường thông hè thoáng, xe buýt nhanh vẫn không thể nhanh hơn

Thứ hai, 26/12/2016, 13:58 (GMT+7)

Theo dự kiến, ngày 1/1/2017 tới đây, tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội chính thức đi vào hoạt động với tuyến từ Yên Nghĩa – Kim Mã. Tuy nhiên, trước “giờ G”, dự án giao thông này lại gây nhiều tranh cãi.

Theo ghi nhận của PV báo Lao Động, sáng 25/12, hệ thống hạ tầng phục vụ tuyến buýt nhanh BRT đã được hoàn thiện để sẵn sang phục vụ khách. Các khu vực nhà chờ, biển báo, đèn tín hiệu làn dành riêng cho buýt nhanh BRT đã được lắp đặt.

Tuyến buýt nhanh đang được ưu tiên hết mức từ làn đường riêng, đèn tín hiệu tới cấm các phương tiện khác lưu thông để giảm mật độ. Theo quy định, nếu đường thông thoáng, các chủ phương tiện vẫn cố tình đi vào làn buýt nhanh sẽ bị lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt tại chỗ hoặc phạt nguội.

xe buýt nhanh 1

Xe buýt nhanh Hà Nội Ảnh Tri Thức Trực Tuyến

Tin tức trên Tri Thức Trực Tuyến, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông Đô thị cho biết, buýt nhanh sẽ rút ngắn được thời gian đi lại tuyến Yên Nghĩa - Kim Mã là 5-10 phút so với buýt thường. Theo tính toán, mỗi giờ buýt nhanh sẽ vận chuyển được 1.800 lượt khách, đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại trên tuyến.

Ngay trong sáng 25/12, PV báo Lao Động đã có cuộc khảo sát theo hành trình chạy thử nghiệm kỹ thuật của xe buýt nhanh từ Bến xe Yên Nghĩa tới Bến xe Kim Mã.

Theo đó, vào lúc 9h sáng ngày chủ nhật, tuyến đường di chuyển của xe buýt không gặp quá nhiều vướng mắc. Mật độ các phương tiện tham gia giao thông không cao, các phương tiện khác như xe máy, ôtô không phải mất quá nhiều thời gian để nhích từng bước như vào giờ cao điểm của ngày làm việc trong tuần.

xe buýt nhanh trên phố Giảng Võ

Xe buýt nhanh BRT vận hành trên tuyến Giảng Võ. Ảnh Lao Động

Tuy nhiên tốc độ di chuyển của xe buýt nhanh không... nhanh như dự định, thời gian dừng lại tại các nhà chờ của xe buýt nhanh mất từ khoảng 1-2 phút và phải mất khoảng gần 1 giờ đồng hồ cho tuyến đường dài gần 15km. Cũng với tuyến đường trên, phóng viên thực hiện đi xe máy thì chỉ mất khoảng 30 phút.

Điều này có nghĩa, ngay cả khi đường thông hè thoáng, được ưu tiên về giao thông, nhưng xe buýt nhanh lại không hề nhanh hơn xe buýt thường bao nhiêu, thậm chí còn lâu hơn cả thời gian di chuyển bằng xe máy.

Trong khi đó, tuyến đường từ Kim Mã đến BX Yên Nghĩa đã phải dành 1/3 đường để ưu tiên cho xe buýt nhanh khiến không gian di chuyển của các phương tiện khác bị hạn chế.

Ngoài ra, tất cả các phương tiện trên dọc tuyến đường hoạt động của BRT đều bị cấm dừng đỗ. Các phương tiện chỉ được phép dừng đỗ đón trả khách trên các tuyến đường ngang giao cắt với hành lang vận hành BRT hoặc tại các vị trí có bố trí sảnh, vịnh đón trả khách nhằm hạn chế nguy cơ ùn tắc giao thông trên dọc tuyến BRT.

Tuyến xe buýt nhanh BRT được khởi công vào năm 2013, sau hơn 1 năm chậm tiến độ, ngày 1/1/2017 tới đây, tuyến xe buýt nhanh đầu tiên sẽ đi vào hoạt động.

Trong thời gian chạy thử nghiệm 1 tháng, hành khách đi lại bằng phương tiện buýt nhanh hoàn toàn được miễn phí vé.

Với tổng số tiền đầu tư là 55 triệu USD (hơn 1.100 tỷ đồng), tuyến buýt nhanh BRT Hà Nội dự kiến sẽ vận chuyển được 1.800 lượt khách mỗi giờ. Thời gian di chuyển sẽ mất khoảng 45 phút cho tuyến đường dài 14 km theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. 

Minh Tuệ (T/h)
Theo Đời sống Plus