Mười năm đợi chờ
Ngày 6/10/2010, UBND TP Hà Nội có quyết định số 4927/QĐ- UBND phê duyệt dự án "Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích” từ Lương Phú xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, TP Hà Nội (gọi tắt là dự án cải tạo sông Tích) với số vốn hơn 6.914 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, ngân sách TP, nguồn vốn ODA…, thời gian thực hiện từ năm 2010- 2015.
Mục tiêu của dự án là giải quyết nước tưới cho 16.000ha đất nông nghiệp; cung cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất công nghiệp, đảm bảo tiêu thoát nước, chủ động cấp nước mùa khô, tiếp nước cho sông Đáy, cải tạo môi trường thông dòng chảy.
Dự án được phân kỳ đầu tư hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I (2010- 2013) tập trung thực hiện đoạn từ Lương Phú đến cầu Ó (tiếp giáp giữa Thị xã Sơn Tây và huyện Phúc Thọ), nhằm khôi phục và tiếp nước làm sống lại dòng sông Tích, chủ động tiếp nước cho sông Đáy vào mùa khô. Giai đoạn này được chia làm 2 đoạn: Đoạn 1 từ cống lấy nước đầu mối Lương Phú xã Thuần Mỹ huyện Ba Vì đến cầu Trắng xã Đường Lâm thị xã Sơn Tây; Đoạn 2 từ cầu trắng xã Đường Lâm thị xã Sơn Tây đến Cầu Ó huyện Phúc Thọ.
Đối với giai đoạn II (2014- 2015), sẽ tiếp tục và hoàn thành nạo vét, tu bổ, nắn chỉnh dòng chảy các đoạn còn lại, từ cầu Ó huyện Phúc Thọ đến Ba Thá xã Phúc Lâm sông Đáy- huyện Mỹ Đức.
Dự án được giao cho Sở NN&PTNT Hà Nội làm chủ đầu tư. Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và du lịch Bình Minh được lựa chọn là đơn vị thi công (Công ty Bình Minh).
Dự án cải tạo sông Tích được coi là dự án trọng điểm của ngành Nông nghiệp Hà Nội, tuy nhiên vẫn gặp vướng mắc suốt 10 năm qua.
Ngày 4/3/2016, UBND TP Hà Nội điều chỉnh lại phân kỳ đầu tư đoạn 1 (giai đoạn I) của dự án. Theo đó, mức vốn đầu tư là hơn 4.200 tỷ đồng, được bố trí từ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ, trái phiếu Chính phủ và ngân sách TP Hà Nội… Thời gian điều chỉnh các hạng mục thực hiện từ 2011- 2020.
Sau 10 năm triển khai, dự án cải tạo sông Tích mới thi công được khoảng 70% khối lượng của đoạn 1 (giai đoạn I) gồm các hạng mục như cống phai, nhà điều hành, các cầu dân sinh qua sông cùng các công trình trên sông; đã nạo vét được 18/27km lòng dẫn sông Tích, còn 9km chưa nạo vét được vì chưa có mặt bằng sạch; đơn vị thi công đã đào mới được 11,5km sông Tích...
Do vướng mắc từ nhiều khâu nên sau 10 năm triển khai, nhiều hạng mục của dự án cải tạo sông Tích vẫn ngổn ngang, dang dở. Nhiều công trình do không đưa vào vận hành kịp thời đã gây lãng phí tiền của của nhà nước.
44 bãi thải 240ha… biến mất!
Để làm rõ sự việc, PV đã liên hệ làm việc với Sở NN&PTNT Hà Nội và nhà thầu là Công ty Bình Minh. Trong buổi làm việc với nhà thầu, đại diện Công ty Bình Minh đã cung cấp tập văn bản pháp lý liên quan đến dự án.
Công ty Bình Minh cho biết, mặc dù đã tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo yêu cầu chất lượng và tiến độ đặt ra, tuy nhiên cho đến nay “các cố gắng trên đều bị ách tắc, công việc đình trệ, mọi nỗ lực trở nên vô ích và đi vào ngõ cụt, không lối thoát” khi vấn đề mấu chốt, cơ bản nhất là tồn tại, bất cập trong căn cứ pháp lý chính của dự án là Quyết định số 4927/QĐ-UBND ngày 6/10/2010 của UBND TP Hà Nội chưa được giải quyết.
Bất cập đó là không bố trí được theo như phương án thiết kế ban đầu. Theo Quyết định số 4927/QĐ-UBND thì có 44 bãi thải được bố trí dọc theo 2 bên bờ sông Tích, diện tích chiếm đất là 240 ha. Do đó, quá trình thi công đào lòng sông Tích thì không thể thực hiện được theo hồ sơ thiết kế do thiếu bãi thải, nguyên nhân là do UBND TP. Hà Nội không bố trí tiền GPMB cho 44 bãi thải với diện tích 240 ha, giá đền bù thời điểm lập là 6 tỷ đồng/ha, tương đương 1.440 tỷ đồng.
Thực tế, biện pháp đào xúc quăng ra 44 bãi thải theo phê duyệt liền kề bờ sông không có. Công ty Bình Minh có văn bản gửi Chủ đầu tư và Chủ đầu tư cho phép tự đi tìm bãi đổ thải và phải xúc trực tiếp lên ô tô vận chuyển ra các bãi thải do các bên tự khai thác, điều này đã làm lợi cho Thành phố hơn một nghìn tỷ đồng.
Bất cập nữa là UBND TP Hà Nội không cho chi phí làm đường thi công. Cụ thể, ngày 1/3/2013, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số 1572/UBND-NNNT yêu cầu “không làm đường phục vụ thi công riêng” mà tận dụng bờ trong quá trình thi công. Đây là một quyết định bất cập, không đúng với thực tế thi công hiện trường.
Đến Quyết định số 1054/QĐ-UBND ngày 4/3/2016 phê duyệt điều chỉnh phân kỳ đầu tư đoạn I, Giai đoạn I, dự án cũng không điều chỉnh các bất cập nêu trên.
Được biết, dự án ban đầu có khái toán là hơn 12.000 tỷ đồng, sau đó giảm xuống còn 8.398 tỷ đồng và cuối cùng là 6.900 tỷ đồng theo như Quyết định 4927/QĐ-UBND ngày 6/10/2010 của UBND TP Hà Nội, như vậy tổng mức đầu tư này đã cắt luôn phần tiền GPMB bãi thải khoảng 1.440 tỷ đồng không được bố trí kinh phí thực hiện và cả phần cước vận chuyển theo quy định Nhà nước. Như vậy đã phá vỡ các căn cứ của các bước lập biện pháp thi công và dự toán dẫn đến quyết định sai không thể thực hiện được.
Ngày 4/3/2016, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 1054 phê duyệt phân kỳ đầu tư đoạn I, Giai đoạn I là 4.200 tỷ đồng. Quyết định này cũng không điều chỉnh, bổ sung nội dung bất cập về bố trí bãi thải và các hạng mục thiếu khác của Quyết định 4927/QĐ-UBND. Vì vậy, dù hồ sơ thiết kế được duyệt có 240 ha đất làm bãi thải bố trí sát 2 bên bờ sông nhưng thực tế là không có bãi thải nào được giải phóng mặt bằng để thực hiện. Điều này dẫn tới việc tổng mức đầu tư tính toán dựa trên cơ sở pháp lý là Quyết định 4927/QĐ-UBND ngày 6/10/2010 và Quyết định 1054/QĐ-UBND ngày 4/3/2016 của UBND TP Hà Nội là sai với thực tế.
Do đó, yêu cầu cấp thiết là phải có quyết định sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cho đúng với thực tế. Đảm bảo đủ cơ sở pháp lý cho Sở NN&PTNT (chủ đầu tư), các Sở, ngành cùng các đơn vị liên quan mới đủ căn cứ thực hiện. Bởi vậy, suốt 10 năm qua, Sở NN&PTNT, các Sở, ngành cùng các đơn vị liên quan cứ trong vòng luẩn quẩn vì chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết. Như cấp đường theo Quyết định 32 của Bộ giao thông vận tải, mỏ đất đắp như các tỉnh khác đều làm đủ theo quy định của pháp luật còn Hà Nội không có.
Lỗi do cơ quan nào? Trách nhiệm thuộc về ai?
Thực tế công tác đào xúc quăng từ cao trình +4.2 lên các bãi thải được phê duyệt và bố trí hai bên bờ sông Tích, sau đó xúc lên xe vận chuyển ra các bãi thải. Ngay từ đầu, phương án này đã không thực hiện được vì không có 44 bãi thải như đã nêu. Văn bản số 1572/UBND-NNNT ngày 1/3/2013 của UBND TP Hà Nội có nội dung chỉ đạo “tận dụng bờ trong quá trình thi công, không làm đường phục vụ thi công riêng” là sai lầm hệ thống nhưng Sở NN&PTNT và các Sở, ngành, đơn vị tư vấn vẫn lấy quyết định không đủ căn cứ để thực hiện dẫn đến việc thi công gặp khó khăn, không có hướng giải quyết.
Đến nay, Công ty Bình Minh đã có 55 văn bản gửi các cấp lãnh đạo TP Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội. UBND TP Hà Nội cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đề nghị Sở NN&PTNT rà soát xem xét đơn giá định mức và hạng mục công việc khác theo thực tế và đúng quy định của pháp luật.
Thế nhưng, Sở NN&PTNT mới phê duyệt trả cho Công ty Bình Minh theo thực tế thi công là hạng mục (đường thi công trong lòng dẫn, đường các bãi thải và bãi trữ) tại Quyết định số 1551/QĐ-SNN ngày 2/8/2018 của Sở NN&PTNT. Còn nhiều phần thiếu khác theo quy định của pháp luật vẫn chưa giải quyết.
Những bất cập này là nguyên nhân chính dẫn tới mọi việc không tiến triển được, gây chậm tiến độ thi công công trình. Các thành phần chi phí có liên quan trong dự toán được duyệt theo các Quyết định đã được chủ đầu tư phê duyệt không đúng với thực tế dẫn đến đơn vị thi công gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đơn vị thi công dự án cải tạo sông Tích đã có 55 văn bản kiến nghị liên quan tới việc thanh toán kinh phí phần việc đã làm, hỗ trợ hoàn thành dự án,....
Theo đó, Công ty Bình Minh đã kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở NN&PTNT cùng các sở, ngành, các đơn vị tư vấn sớm giải quyết dứt điểm những vướng mắc này. Sớm có văn bản điều chỉnh, bổ sung giải quyết các bất cập trong Quyết định số 4927 ngày 6/10/2010, Văn bản số 1572/UBND-NNNT ngày 1/3/2013 và các văn bản có liên quan như đã nêu trên nhằm đảm bảo có đủ cơ sở pháp lý cho Sở NN&PTNT, các sở, ngành khác, Ban Duy tu các công trình NN&PTNT, đơn vị tư vấn, Công ty Bình Minh làm căn cứ thực hiện tính đúng, tính đủ theo pháp luật. Đề nghị sớm thanh toán theo khối lượng thực tế đã thi công.
UBND TP Hà Nội sớm ban hành quy định về xếp loại đường để xác định cước vận tải đường bộ trên cơ sở Quyết định số 32/2005/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT làm căn cứ để chủ đầu tư và các đơn vị liên quan áp dụng cho dự án sông Tích và thanh toán cho Công ty theo thực tế đã thi công. Xây dựng giá ca máy trên cơ sở hướng dẫn tại thông tư số 06/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng làm căn cứ để chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát và các đơn vị liên quan thanh toán cho Công ty Bình Minh.
Ông Phùng Văn Phán, Phó Tổng giám đốc Công ty Bình Minh buồn rầu cho biết, trong 10 năm qua, Công ty đã có 55 văn bản kiến nghị gửi các cấp ngành nhưng chưa được giải quyết:"Sớm thanh toán cho Công ty phần việc đã làm, tránh tình trạng kinh phí bố trí cho dự án không giải ngân được phải trả lại cho ngân sách, trong khi đó suốt 10 năm qua doanh nghiệp không được thanh toán phải đi vay và trả lãi ngân hàng, giúp công ty có kinh phí hoàn thành phần việc còn lại của dự án, giảm lỗ trong quá trình thực hiện. Sớm thông được nguồn nước sạch từ sông Đà vào sông Tích chuyển cho sông Đáy giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, có nước sạch cho sinh hoạt, làm nông nghiệp sạch cho Hà Nội và các tỉnh lân cận, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư…”, ông Phán thiết tha đề nghị thanh toán trả doanh nghiệp.
Sông Đáy thiếu nước mùa khô, nhân dân chịu ô nhiễm, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo. Trách nhiệm này thuộc Cơ quan nào, cá nhân nào UBND thành phố Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn?
Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm vào các số tiếp theo.
Hàng trăm tỷ trả lại ngân sách còn doanh nghiệp thì không thanh toán được khối lượng đã thi công hoàn thành, phải mắc nợ ngân hàng.
Năm 2019, dự án cải tạo sông Tích được bố trí 566 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được khoảng 90 tỷ đồng còn lại phải trả lại ngân sách hơn 476 tỷ đồng. Năm 2020, dự án được bố trí 226 tỷ đồng nhưng mới giải đến tháng 7 mới giải ngân được 14 tỷ đồng.
Ô nhiễm cuối nguồn sông Đáy do đầu nguồn sông Tích không mở thông dòng tiếp nước cho sông Đáy. Trách nhiệm thuộc về ai? UBND thành phố Hà Nội; Bộ Tài nguyên Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn?