Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:18
RSS

Đột biến virus corona chủng mới chưa từng phát hiện

Thứ sáu, 08/05/2020, 16:40 (GMT+7)

Diễn biến của dịch Covid-19 vẫn đang làm thế giới lo lắng. Mới đây, các nhà khoa học cho biết dấu hiệu virus Corona chủng mới đang biến đổi.

Đột biến virus corona chủng mới chưa từng phát hiện
Đột biến virus corona chủng mới chưa từng phát hiện. Ảnh bên trong một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc Nguồn: AFP

Các nhà khoa học tại Đại học bang Arizona (Mỹ) vừa phát hiện một biến thể mới của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây Covid-19 cho thấy virus này đang có xu hướng suy yếu đi như virus gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) vào năm 2003.

Theo thông cáo đăng trên trang web của trường ngày 6.5, biến thể này được tìm thấy trong mẩu bệnh phẩm của một bệnh nhân tại thành phố Tempe ở Arizona, Thanh niên đưa tin. 

Trong nghiên cứu, các chuyên gia sử dụng một công nghệ mới do cơ sở nghiên cứu hệ gien của trường phát triển có tên là trình tự gien thế hệ tiếp theo để phân tích gien của virus Corona chủng mới.

Sử dụng 382 mẫu dịch đường hô hấp của các trường hợp nghi mắc Covid-19 tại Arizona, họ phát hiện một biến thể của virus Corona chủng mới chưa từng được phát hiện.

Trong bộ gien AZ-ASU2923, cấu trúc đường xoắn kép của ADN trong gien ORF7 khuyết đến 81 cặp liên kết ba-zơ. ORF7 là gien sản xuất ra protein hỗ trợ virus lây nhiễm và nhân bản bên trong cơ thể người. Protein này có thể giúp virus chống lại hệ miễn dịch, giúp chúng nhân bản và giết chết tế bào trước khi lan sang các tế bào khác.

Quá trình này giúp virus lây nhiễm sang các tế bào khác và nhanh chóng lan rộng trong cơ thể, dần dần gây ra các triệu chứng Covid-19 nặng trong vòng 8-14 ngày kể từ lúc mới bị nhiễm”, thông cáo giải thích.

Việc bị khuyết gien sản xuất protein này cho thấy virus có thể đang yếu đi tương tự như virus gây SARS.

Hiện tại, hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19 sau khi dịch khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019, khiến hơn 3,9 triệu người nhiễm, 271.000 người tử vong. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn gần 1,3 triệu ca nhiễm và gần 77.000 ca tử vong.

Theo nghiên cứu mới của WHO cảnh báo nCoV có thể khiến 83.000-190.000 người châu Phi chết trong năm bùng phát đầu tiên, Vnexpress đưa tin. 

29-44 triệu người châu Phi sẽ bị nhiễm nCoV trong năm đầu tiên bùng phát đại dịch nếu các biện pháp khống chế không phát huy hiệu quả, văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) châu Phi hôm 7/5 ra tuyên bố cho biết. Trong số này, 83.000-190.000 người có thể tử vong.

WHO châu Phi nhận thấy tốc độ lây lan, độ tuổi của những ca nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong vì nCoV ở châu lục này thấp hơn so với các khu vực khác, chủ yếu là do các yếu tố xã hội, môi trường, dân số trẻ và kinh nghiệm kiểm soát các bệnh truyền nhiễm như HIV hay lao.

"Thúc đẩy các biện pháp ngăn chặn dịch hiệu quả là vô cùng quan trọng, vì nếu virus tiếp tục lan rộng có thể tổn hại nghiêm trọng các hệ thống y tế của chúng ta", Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) châu Phi Matshidiso Moeti nói.

Một cuộc khảo sát do WHO thực hiện vào tháng 3 ở 47 quốc gia châu Phi cho thấy trung bình có 9 giường chăm sóc tích cực (ICU) trên một triệu dân. WHO cho rằng điều kiện chăm sóc y tế ở châu Phi là rất hạn chế, do đó khống chế dịch chính là "chìa khóa" cho các quốc gia này chống Covid-19.

52 quốc gia châu Phi đã xuất hiện Covid-19, theo thống kê của WHO khu vực, với tổng cộng 51.239 ca nhiễm, trong đó 1.926 người tử vong và 17.471 người đã hồi phục. Nam Phi hiện vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu lục với gần 8.000 ca nhiễm.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN