Sau khi đoàn công tác của TP rời đi, người dân trong làng bắt đầu trở lại với công việc thường ngày.
Người dân sau những ngày mệt mỏi thì giờ đây đã có thể chuyện trò, cười nói vui vẻ, cùng nhau thu dọn những chướng ngại vật đã dựng lên nhiều ngày qua.
“Được ngủ ngon rồi”
“Vui quá, tối nay không phải thấp thỏm canh gác, lo lắng nữa, được ngủ ngon rồi. Hôm nay, kết quả đối thoại như thế này đối với dân làng là mừng quá rồi, chỉ mong rằng tới đây TP sẽ trả lời thỏa đáng sau thanh tra nữa thôi!” - chị Trần Thị Liên, thôn Hoành, cười nói.
“Về việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân Đồng Tâm và cho tiền để chúng tôi làm đường, chúng tôi rất cảm ơn. Nhưng vấn đề chúng tôi đấu tranh vẫn là đất đai, hơn nữa ông Kình vẫn chưa về nên chúng tôi vẫn đang dõi theo từng hành động của TP” - ông Bùi Văn Sinh, thôn Hoành, chia sẻ.
"Bao nhiêu năm bỏ việc đi giữ đất"
Trước đó, trưa 22/4, ông Nguyễn Đức Chung đã cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân trong vụ giữ người cả tuần qua.
Hàng ngàn người dân xã Đồng Tâm đã bỏ bữa trưa để theo dõi cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung với 50 người dân Đồng Tâm kéo dài từ 10h30 đến 12h30.
Cuộc đối thoại được phát qua loa phát thanh của xã, cho đến lúc kết thúc đã nhận được những tràng vỗ tay khi ông Chung bước ra từ hội trường cũng như dọc tuyến đường đưa tới Nhà văn hóa thôn Hoành - nơi còn giữ 19 công an.
Tại nhà văn hóa thôn, ông Nguyễn Đức Chung tiếp tục thực hiện các thủ tục, cam kết với người dân kéo dài tới 14h25 để đưa 19 công an về với gia đình.
Được nói lên những chất chứa trong lòng, ông Bùi Văn Kỷ (thôn Hoành) bộc bạch: “Người dân chúng tôi mong muốn mọi người thông cảm. Chúng tôi thành thật xin lỗi về những việc đã xảy ra”.
Ông Kỷ cho rằng cội nguồn của những việc vừa qua đều bắt nguồn từ những bức xúc về đất đai.
“Bao nhiêu năm qua chúng tôi bỏ việc đi giữ đất. Chúng tôi là những người bỏ lá phiếu bầu ra lãnh đạo, nhưng sao lãnh đạo không về giải thích cho chúng tôi đâu sai đâu đúng trước những bức xúc về đất đai. Luật cũng quy định được bắt người trong trường hợp khẩn cấp, nhưng một người 82 tuổi như cụ Lê Đình Kình có phải áp dụng biện pháp bắt khẩn cấp như vậy không?...” - ông Kỷ nói.
Cơ quan chức năng sai... dẫn tới dân cũng sai?
Theo ông Kỷ, từ cái sai không giải quyết thấu đáo những bức xúc về đất đai, rồi việc bắt người không phù hợp mới khiến người dân hành động như “giọt nước tràn ly”, bắt giữ lại người.
“Chúng tôi thừa nhận giữ người như thế là sai, nhưng nó xuất phát từ cái sai về việc cứ khẳng định 59ha đất người dân sản xuất là đất quốc phòng. Loa cứ ra rả phát đi nội dung đó khiến người dân càng bức xúc. Và cũng xuất phát từ cái sai nữa là bắt người thô bạo, đưa đi chỉ mốc giới rồi bắt giữ” - ông Kỷ phân trần.
Ông Lê Đình Thành (thôn Hoành) cũng cho rằng việc đã lỡ và người dân cũng đã nhận ra cái sai trong việc giữ người.
Tuy nhiên ông Thành nói: “Nếu không có việc bắt giữ dân ban đầu thì không có việc người dân giữ lại người. Vì thế, chúng tôi đề nghị được lượng hồng, được các cơ quan chức năng xem xét thấu tình đạt lý, có phần châm chước để người dân sớm trở lại làm ăn”.
Nêu kiến nghị về vấn đề đất đai, ông Trần Viết Lễ khẳng định khu đất nông nghiệp đồng Sênh có diện tích 106ha, năm 1980 đã thu hồi 47,36ha cho sân bay Miếu Môn.
“Còn 59ha được người dân sử dụng lâu nay. Đến năm 2012 khi người dân đấu tranh về việc bán đất trong diện tích đó thì xã lại bảo đó là đất quốc phòng. Còn đã thu hồi đất đó làm đất quốc phòng thì cho chúng tôi xem quyết định” - ông Lễ nêu.
“Có lỗi của chính quyền các cấp”
Phúc đáp những ý kiến của người dân qua đơn kiến nghị và qua các ý kiến nêu trực tiếp, ông Nguyễn Đức Chung ghi nhận việc người dân sau khi bắt giữ 38 cán bộ, công an đã tự nhận ra đó là việc làm sai, đã có thành ý khắc phục.
“Tôi cũng ghi nhận việc bà con đã cho mọi người ăn uống đầy đủ, chăm sóc chu đáo, anh em không có thương tích, thậm chí còn được ăn ngon hơn so với bữa cơm của người dân” - ông Chung nêu.
Về đề nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự trong việc bắt giữ công an, ông Chung cam kết “không truy cứu trách nhiệm hình sự với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm”.
Tuy nhiên trong đối thoại trước đó, ông Chung cho biết người dân cần có đơn gửi trực tiếp cho bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm về đề nghị cơ quan chức năng xem xét không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Chung cũng chia sẻ việc bắt giữ công an của người dân có nguyên nhân từ bức xúc về đất đai, từ việc bắt giữ không công bố lệnh, không mặc trang phục, đẩy lên ôtô và thực tế cụ Kình bị gãy xương.
“Việc cơ quan chức năng bắt giữ người, các cụ nêu ra là lừa chỉ mốc giới rồi bắt, lãnh đạo TP đã thống nhất với bộ trưởng Bộ Công an thanh tra việc bắt giữ của Công an TP. Ai sai đến đâu sẽ xử lý đến đó, vì pháp luật là thượng tôn” - ông Chung nói.