Chủ nhật, 24/11/2024 | 07:17
RSS

Đồng Nai: Bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết tăng "sốc"

Thứ sáu, 20/05/2022, 08:00 (GMT+7)

Các địa phương đã bước vào mùa mưa nên kéo theo đó bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết đang tăng nhanh, nhất là tại các địa phương có đông lao động nhập cư như TP.Biên Hòa, Nhơn Trạch,…

Ngày 20/5, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, 7 ngày gần đây, toàn tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận 218 trường hợp bị bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, tăng 32,1% so với tuần trước đó và tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao nhất là ở TP Biên Hòa, huyện Tân Phú, TP Long Khánh, nơi có đông lao động nhập cư.


Phun diệt muỗi, lăng quăng phòng sốt xuất huyết. Ảnh: H. Dung

Như vậy cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận hơn 2.200 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có hơn 1.500 người dưới 15 tuổi. Trong đó, đã ghi nhận 2 ca tử vong.

Tổng số ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện từ đầu năm đến nay là 335 ổ, tỷ lệ xử lý ổ dịch đạt 95,5%.

Không chỉ sốt xuất huyết mà số ca mắc tay chân miệng cũng tăng 284 ca trong tuần qua. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.400 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 238% so với cùng kỳ năm ngoái. Số ca mắc tăng cao ở huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Tân Phú.

Trước việc dịch sốt xuất huyết, chân tay miệng gia tăng quá nhanh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai đã đề nghị các địa phương có ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng tích cực điều tra, xử lý các ổ dịch kịp thời, không bỏ sót ca bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện các biện pháp phòng bệnh.


Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi bị sốt xuất huyết. Ảnh: H.Dung

Ông Nguyễn Văn Kết (44 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, người vừa có con khỏi bệnh sốt xuất huyết) cho biết, con trai ông năm nay 12 tuổi đang đi học ở một trường gần nhà. Do vợ chồng ông đi làm, ít có thời gian quan tâm con nên khi cháu bị sốt nhẹ, liên tục thì gia đình tự mua thuốc cho cháu uống. Chỉ đến khi thấy giữa đêm con bị sốt cao, ói thì mới đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bệnh đã trở nặng, huyết áp tụt.

Cũng theo ông Kết dù cha con ông sinh sống ở “vùng dịch”, chuyên xuất hiện các chuỗi lây nhiễm sốt xuất huyết trong mùa mưa nhưng lại không ngủ trong mùng vì thế hai năm liền con trai ông đều bị sốt xuất huyết. Do đó ông Kết khuyên các phụ huynh nên dọn dẹp sạch nơi ở, ngủ phải nằm trong mùng để hạn chế bị muỗi đốt,…

Ông Trần Lê Duy Cường, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, từ đầu năm đến nay, khoa đã tiến hành lọc máu cho 2 bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, bị tổn thương đa cơ quan. Ngoài ra, có một số trường hợp phải truyền đa phân tử, truyền thêm máu và các chế phẩm của máu, thở oxy…

Ngoài ra còn có bệnh nhi bị hội chứng viêm đa hệ thống liên quan đến nhiễm covid-19 (hậu Covid-19) nhiễm sốt xuất huyết.

Do đó, khi thấy trẻ có những biểu hiện như sốt cao, mệt mỏi, lừ đừ, chán ăn, không uống nước được, mạch đập nhanh, tay chân lạnh, dấu hiệu phục hồi da kéo dài, huyết áp kẹp/tụt, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán, chữa trị kịp thời.

Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai Phan Văn Phúc cũng cho biết, nhằm giảm số ca bệnh sốt xuất huyết, kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đang triển khai và chỉ đạo các trung tâm y tế, trạm y tế tăng cường các biện pháp theo dõi, xác minh ca bệnh, giám sát côn trùng tại các xã, phường trọng điểm, xử lý triệt để các ổ dịch, cấp hóa chất phòng, chống sốt xuất huyết, phun xịt thuốc diệt muỗi…

Nha Mẫn
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại