Chủ nhật, 19/01/2025 | 07:03
RSS

Doanh thu và lợi nhuận giảm, gần 2.000 nhân viên Vinasun thôi việc

Thứ ba, 24/10/2017, 15:05 (GMT+7)

Số lượng nhân viên tính đến cuối quý III/2017 của Vinasun này là 7.292 người, giảm gần 2.000 người so với quý II/2017.

gần 2.000 nhân viên Vinasun thôi việc vì lợi nhuận giảm
Gần 2.000 nhân viên Vinasun thôi việc trong từ quý II/2017 đến nay

Doanh thu của Vinasun giảm gần 54% so cùng kỳ

Sau báo cáo kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm, Hãng taxi Vinasun (HOSE: VNS) tiếp tục báo lãi ròng quý 3 giảm 50% so với cùng kỳ năm trước xuống mức gần 46 tỷ đồng.

Doanh thu thuần trong quý 3 của Vinasun cũng chỉ đạt 547 tỷ đồng, giảm gần 54% so cùng kỳ năm trước. Số lượng nhân viên tính đến cuối quý III của doanh nghiệp này là 7.292 người, giảm gần 2.000 người so với số liệu ghi nhận trong báo cáo tài chính bán niên.  

Lũy kế 9 tháng, doanh thu của Vinasun đạt gần 2.451 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế giảm 39% xuống mức 146 tỷ đồng. Với kết quả này, Vinasun đã thực hiện được 61% kế hoạch doanh thu và 71% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2017 sau 9 tháng.

Thu nhập khác đạt 118,5 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập từ thanh lý xe đạt mức 90 tỷ đồng, giảm gần 23 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Bù lại, khoản thu từ quảng cáo trên taxi của Vinasun tăng đột biến lên mức 26,3 tỷ đồng so với khoản gần 6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh doanh số sụt giảm, Vinasun cũng đang thu hẹp hoạt động với hoạt động thanh lý xe tiếp tục được triển khai. Theo đó, tổng tài sản của Công ty đến thời điểm 30/9 đã giảm 12% so với thời điểm đầu năm, ghi nhận mức 2.841 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, tổng số nhân viên nghỉ việc hoặc chuyển sang hoạt động theo mô hình nhượng quyền thương mại (không được xem là người lao động trực tiếp của Vinasun) xấp xỉ 10.000 người. 

Vinasun đặt kế hoạch doanh thu 4.256 tỷ trong năm 2017

Trong công văn kiến nghị gửi Thủ tướng hồi giữa tháng 5, công ty cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng này là do chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh "thiếu lành mạnh" của Uber và Grab.

Lý giải về việc đặt kế hoạch giật lùi ba năm liên tiếp nhưng nhiều khả năng vẫn không thể hoàn thành, ban lãnh đạo công ty cho rằng nguyên nhân đến từ các yếu tố bất lợi như sức mua trong nước chưa phục hồi, sự cạnh tranh khốc liệt từ Grab và Uber tại thị trường TP HCM, Giá xăng dầu tăng mạnh, chi phí nhân viên tăng theo lương tối thiểu cùng hàng loạt khoản phát sinh khấu hao, lãi vay…

Hiện, Vinasun thay đổi chiến lược kinh doanh theo hướng đa dạng hoá hình thức hợp tác với lái xe, nghiên cứu thị trường, cân nhắc lợi ích để phát triển dịch vụ gọi xe ôm trực tuyến để tăng sức cạnh tranh, giữ chân khách hàng.

Năm nay, Vinasun đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt đạt 4.256 tỷ đồng và 205 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 10,6% và 34% so với thực hiện năm trước. Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở giá cước bình quân mỗi km vào khoảng 15.887 đồng.

Ngô Huệ
Theo Đời sống Plus/GĐVN