Điều dưỡng viên BV Xanh Pôn làm giả giấy chuyển tuyến kiếm lời. Ảnh Dân trí
Ngày 11/12, Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Trần Thanh Vân, 38 tuổi, điều dưỡng viên Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) và Nguyễn Thị Thu Thủy, 42 tuổi, kỹ thuật viên xét nghiệm Bệnh viện Xanh Pôn về hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, đồng thời ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 bị can này, theo Dân trí đưa tin.
Đây là những đối tượng được Cơ quan ANĐT điều tra mở rộng từ hành vi "Cưỡng đoạt tài sản" xảy ra tại Bệnh viện Xanh Pôn.
Theo đó, khoảng trung tuần tháng 7/2017, Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội nhận được thông tin từ Bệnh viện Xanh Pôn trình báo về việc một đối tượng nữ đã đến gặp lãnh đạo Bệnh viện này để tống tiền, vì có nhân viên đã làm giả "Giấy chuyển tuyến" khám bệnh lên tuyến trên cho nhiều bệnh nhân.
Đối tượng này đã đe dọa và yêu cầu nhân viên, lãnh đạo Bệnh viện Xanh Pôn phải chi 150 triệu đồng, nếu không đáp ứng đối tượng sẽ đưa mọi thông tin giấy tờ giả lên mạng internet, báo chí, nhằm hạ uy tín của bệnh viện.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đầu tháng 9/2017, Cơ quan ANĐT và đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hà Nội đã bắt quả tang Trần Thị Thảo (43 tuổi, trú tại TP Sơn La, tỉnh Sơn La) đang nhận số tiền 150 triệu đồng.
Thảo thừa nhận, được một số nhân viên bệnh viện nhờ làm giấy chuyển tuyến giả nên đã photocopy lại để tống tiền. Quá trình mở rộng vụ án cảnh sát làm rõ, bà Thủy được đồng nghiệp cùng khoa nhờ làm thủ tục chuyển tuyến cho mẹ đẻ và 14 người khác có thẻ bảo hiểm y tế tại Xanh Pôn để sang khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, theo báo Vnexpress.
Thủy đồng ý và ra giá từ hai đến ba triệu đồng một người. Sau đó, Thủy nhận 40 triệu đồng cùng thông tin 15 bệnh nhân như Thẻ bảo hiểm, chứng minh nhân dân photo.
Thủy đưa thông tin bệnh nhân cho Vân để nhập máy tính thuộc Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Xanh Pôn và in giấy chuyển tuyến. Ban đầu, Vân chỉ xin được chữ ký của bác sĩ và hai dấu vuông đóng trên giấy chuyển tuyến, còn chữ ký giám đốc Bệnh viện không có nên Thủy được đồng nghiệp bày cách làm giả.
Qua mối quan hệ xã hội Thủy đã nhờ Trần Thị Thảo scan màu, rồi báo giá 200.000 đồng/giấy chuyển tuyến. Sau khi có giấy tờ, Vân gửi Thủy thêm năm bệnh nhân của mình nhờ làm giấy chuyển tuyến giả. Tổng số bệnh nhân Thủy nhờ làm giả dấu tròn trong giấy chuyển tuyến là 20 trường hợp, Thảo đã nhận chi phí 4 triệu đồng.
Tuy nhiên, các giấy chuyển tuyến này màu dấu có độ đậm nhạt khác nhau nên không sử dụng được. Vì vậy, Vân đã nhờ một người quen ngoài xã hội làm 16 tờ giấy chuyển tuyến giả và trả công 500.000 đồng/tờ.
Để có được dấu vuông của Khoa Khám bệnh Bệnh viện Xanh Pôn, Thủy đã cầm tờ giấy A4 có đóng mẫu dấu đỏ mà Vân đưa cho, đem đến cửa hàng khắc dấu đặt làm dấu giả, nhằm hoàn tất giấy tờ.
Sau khi có giấy chuyển tuyến như thật, Vân hoàn thiện các chữ ký. Khoảng giữa tháng 1, Vân đưa lại cho Thủy 15 giấy chuyển tuyến về Bệnh viện Bạch Mai để được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế nhiều hơn.
Đến nay, cơ quan điều tra xác định hình dấu tròn, chữ ký bác sĩ trên tổng số 18 giấy chuyển tuyến thu được của Vân và Thủy là giả.
Cảnh sát cũng xác định những trường hợp chuyển tuyến trên đều không khám chữa bệnh ban đầu ở Bệnh viện Xanh Pôn. Tuy nhiên do muốn hưởng chế độ khám chữa bệnh tốt hơn tại Bệnh viện Bạch Mai nên nhờ làm giấy chuyển tuyến và chi phí mỗi người là 2,5 triệu đồng.