Thứ năm, 28/03/2024 | 19:06
RSS

Điểm lại những sự kiện nổi bật thế giới trong năm 2020

Thứ năm, 11/02/2021, 10:12 (GMT+7)

Ngoài đại dịch Covid-19 gây hoảng loạn trên khắp thế giới, năm 2020 cũng chứng kiến nhiều sự kiện kịch tính như bầu cử Mỹ, đại hồng thủy ở châu Á, nổ kinh hoàng ở Beirut…

Cuộc khủng hoảng toàn cầu mang tên Covid-19

Nhân viên y tế đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Chữ thập đỏ tại TP Vũ Hán, Trung Quốc Ảnh: GETTY IMAGES

Theo Báo VietNamNet, dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc và nhanh chóng lan ra khắp nơi. Tới cuối tháng 12/2020, dịch đã tấn công 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 81 triệu người với gần 1,8 triệu ca tử vong. Các chuyên gia ước tính, đại dịch đã đẩy thêm 88 triệu người vào cảnh cùng quẫn, khiến GDP toàn cầu mất ít nhất hơn 5.000 tỷ USD.

Một số nước ban đầu kiểm soát dịch thành công nhờ những biện pháp phong tỏa và giới hạn nghiêm ngặt, nhưng các làn sóng lây nhiễm mới tiếp tục càn quét nhiều nơi, khiến kinh tế thế giới đối mặt nguy cơ suy thoái kéo dài. Từ cuối 2020, các nước rục rịch xúc tiến tiêm phòng diện rộng vắc-xin, làm dấy lên hy vọng cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường vào 2021. 

Tân thủ tướng Nhật nắm quyền, đến Việt Nam đầu tiên

Sau khi ông Abe Shinzo từ chức vì lý do sức khỏe, ông Suga Yoshihide được chọn làm Thủ tướng mới của Nhật Bản vào tháng 9. Ông Suga, 71 tuổi, tuyên bố vẫn duy trì các chính sách kinh tế Abenomics của người tiền nhiệm, đồng thời thúc đẩy cải tổ, bao gồm bãi bỏ các quy định, số hóa và phá bỏ các rào cản quan liêu.

Tân Thủ tướng Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của ông. Chuyến thăm của ông Suga diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp, Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Nhật Bản là đối tác cung cấp ODA hàng đầu cho Việt Nam, là nhà đầu tư lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. 

Mỹ bầu cử Tổng thống

Tổng thống đương nhiệm Donald Trump (trái) và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden (phải). Ảnh: AFP

Theo VnExpress, cuộc đua vào Nhà Trắng giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden năm nay diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ bị nhấn chìm trong khủng hoảng do biểu tình sắc tộc, suy thoái kinh tế và Covid-19. Đại dịch cũng được đánh giá là nguyên nhân chính khiến không ít cử tri Mỹ quay lưng với Trump, do những phản ứng bị coi là chậm chạp và thiếu khoa học trong chiến lược chống dịch.

Hơn 150 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu ngày 3/11, nhưng đến ngày 7/11, truyền thông mới "xướng tên" Biden là người đắc cử, do các bang mất nhiều thời gian kiểm đếm số phiếu bầu vắng mặt cao chưa từng có vì Covid-19. Cả hai ứng viên đều lập kỷ lục về số phiếu phổ thông, trong đó Biden giành hơn 81 triệu phiếu, trong khi Trump cũng có hơn 74 triệu phiếu.

Dù vậy, Trump kiên quyết không nhận thua, tiến hành chiến dịch pháp lý quy mô lớn với cáo buộc phe Dân chủ "đánh cắp cuộc bầu cử" bằng hành vi gian lận trên diện rộng nhưng không thành công. Ngay cả khi đại cử tri đoàn chính thức bỏ phiếu bầu cho Biden với 306 phiếu, còn Trump chỉ được 232 phiếu, Tổng thống Mỹ vẫn ủng hộ nỗ lực "lật kèo" ở quốc hội nhằm đảo ngược kết quả, dù cơ hội thành công gần như không có.

Thái độ quyết không nhận thua của Trump đã khiến nước Mỹ thêm chia rẽ, đặt Biden trước thách thức lớn trong việc hàn gắn quốc gia, xử lý khủng hoảng y tế và kinh tế. Ông cũng được kỳ vọng sẽ đưa Mỹ trở lại vai trò "anh cả" trên trường quốc tế với chính sách ngoại giao truyền thống, đề cao quan hệ đồng minh và chủ nghĩa đa phương, chấm dứt chính sách "nước Mỹ trước tiên" nhiều hỗn loạn dưới thời Trump.

Nổ kho hóa chất ở cảng Beirut, Lebanon

Hiện trường cảng Beirut sau vụ nổ chiều 4/8. Ảnh: AP.

Thủ đô Beirut của Lebanon hôm 4/8 rung chuyển sau vụ nổ kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat, tương đương 240 tấn TNT, khiến gần 200 người chết và khoảng 6.500 người bị thương, gần một nửa thành phố bị san phẳng. Số amoni nitrat này được vận chuyển bằng tàu đến Beirut và lưu kho tại cảng suốt nhiều năm trong điều kiện không đảm bảo an toàn, bất chấp nhiều cảnh báo được phát ra.

Vụ nổ không chỉ gây thiệt hại lớn về vật chất với Lebanon, mà còn khiến chính trường nước này rung chuyển, khi người dân liên tục xuống đường biểu tình cáo buộc chính quyền quản lý yếu kém. Thủ tướng Hassan Diab và nhiều quan chức cấp cao phải từ chức, sau đó bị truy tố về tội sơ suất gây chết người.

Vụ nổ cũng khiến dư luận chú ý hơn vào quá trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản amoni nitrat trên thế giới. Amoni nitrat được dùng phổ biến làm phân bón, nhưng cũng là hóa chất thường được khủng bố sử dụng để chế bom, gây ra nhiều thảm kịch. Nhiều hãng vận tải biển đã thắt chặt quy trình chuyên chở, bảo quản amoni nitrat sau sự cố này.

Anh rời EU, đạt thoả thuận hậu Brexit

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen  (phải) và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại trụ sở EU ở Brussels, Bỉ. Ảnh: AP

Theo Báo Lao Động, sau hơn 3 năm cân nhắc, vào ngày 31/1/2020, Anh chính thức rời Liên minh Châu Âu, bước vào giai đoạn chuyển tiếp đến hết ngày 31.12.2020. Sự kiện Anh rời EU kết thúc 47 năm là thành viên của nền kinh tế lớn nhất thế giới, đánh dấu lần đầu tiên một nước thành viên EU rời khỏi khối này.

Trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài gần 11 tháng, Anh và EU trải qua nhiều vòng đàm phán khó khăn với nhiều bất đồng về một thoả thuận thương mại hậu Brexit để đảm bảo thuận lợi cho dòng chảy thương mại của cả hai bên. Có những lúc, hai bên đã nghĩ tới kịch bản Brexit không thoả thuận - kịch bản cả hai đều không muốn xảy ra, và thế giới cũng sẽ phải chịu thiệt hại kinh tế. Phải đến tận ngày 24/12, sau nhiều tháng đàm phán, Anh và EU mới đạt được thỏa thuận thương mại Brexit, với các điều khoản về hợp tác trong tương lai của Anh với EU, bao gồm nội dung về thương mại hàng hóa và dịch vụ, giao thông, năng lượng, thủy sản, bảo vệ dữ liệu, an sinh xã hội...

Nhiều quốc gia tìm cách "quản lý" chặt các công ty công nghệ lớn

Theo TTXVN, Các nền tảng công nghệ có hàng tỷ người dùng như Facebook, Google, Twitter liên tục bị điều tra, bị kiện tại nhiều nước do chưa hành động đủ mạnh để ngăn chặn việc phát tán các thông tin sai lệch và nội dung bất hợp pháp trên mạng.

Hàng loạt công ty lớn đã tham gia chiến dịch tẩy chay quảng cáo trên Facebook và Twitter nhằm gây áp lực với các nền tảng này trong vấn đề chống thông tin xấu độc. Twitter và Facebook cũng đối mặt với hàng loạt cáo buộc làm lộ thông tin người dùng, vi phạm chính sách bảo mật và cạnh tranh không lành mạnh. Australia, Pháp yêu cầu các nền tảng công nghệ phải trả tiền cho việc đăng tải tin tức lấy từ báo chí trong nước.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực được ký kết

Sau 8 năm đàm phán, ngày 15/11, 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng 5 đối tác đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tạo ra thị trường thương mại tự do lớn nhất thế giới với 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm hơn 30% dân số thế giới và GDP khoảng 27 nghìn tỷ USD, tương đương 30% GDP toàn cầu.

RCEP là hiệp định toàn diện và chất lượng cao, mở ra cơ hội mới cho hợp tác thương mại đa phương ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi nền kinh tế thế giới đang suy thoái do tác động của đại dịch Covid-19. Với lý do bảo đảm an ninh quốc gia, Mỹ, Ấn Độ, Pakistan, Australia… đã cấm các ứng dụng di động TikTok, WeChat…

H.H (TH)
Theo Giáo dục & Thời đại