Thứ sáu, 26/04/2024 | 06:42
RSS

Đi vệ sinh ra máu, đi khám phát hiện mắc căn bệnh nguy hiểm

Thứ năm, 15/10/2020, 08:52 (GMT+7)

Nam thanh niên nhập viện trong tình trạng đi vệ sinh ra máu ồ ạt, sinh hiệu không ổn định. Sau thăm khám, các bác sĩ phát hiện nam thanh niên mắc bệnh lạ, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.

Ngày 15/10, thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết, các bác sĩ đơn vị này vừa phẫu thuật cấp cứu một trường hợp là anh N.T.P. (29 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) bị Xuất huyết tiêu hóa hiếm gặp.

Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đi cầu ra máu, mất máu lượng nhiều, sinh hiệu không ổn định. Tại bệnh viện, bệnh nhân được hồi sức truyền 10 đơn vị hồng cầu lắng, sau đó nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng và nội soi đại tràng… Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn không tìm thấy vị trí và nguyên nhân gây chảy máu trong khi tình trạng chảy máu vẫn tiếp diễn, tái phát mức độ nặng.

Trước tình hình này, bệnh viện đã nhanh chóng hội chẩn đa chuyên khoa và quyết định khảo sát toàn bộ ruột non của bệnh nhân bằng kỹ thuật đưa một camera siêu nhỏ ghi hình và truyền vô tuyến qua da.

Qua camera siêu nhỏ này, các bác sĩ chẩn đoán vị trí chảy máu xuất phát từ nhánh nhỏ của động mạch mạc treo tràng trên tương ứng với đoạn hỗng tràng (ruột non) hay còn gọi là xuất huyết Dieulafoy.

Các bác sĩ quyết định phẫu thuật kết hợp nội soi ruột non trong lúc mổ, cắt đoạn ruột non có sang thương xuất huyết Dieulafoy. Sau phẫu thuật 1 ngày, bệnh nhân khỏe, tỉnh táo, không phát hiện thêm sang thương gây xuất huyết và dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.

Đi khám vì đi vệ sinh ra máu ồ ạt, nam thanh niên phát hiện bệnh lạ cực nguy hiểm

Hiện tại bệnh nhân khỏe, không phát hiện thêm sang thương gây xuất huyết. Ảnh: BVCC

Trao đổi với PLO, BS.CKII Hồ Văn Hân - Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định cho biết, sang thương xuất huyết Dieulafoy ở hỗng tràng – ruột non là một thách thức trong chẩn đoán và điều trị do đặc điểm giải phẫu của ruột non là dài gây khó khăn trong việc tiếp cận, chẩn đoán và can thiệp.

Bác sĩ Hân phân tích, theo y văn, sang thương xuất huyết Dieulafoy ở tá tràng và hỗng tràng chiếm 3,5% trong các tất cả các trường hợp xuất huyết tiêu hóa. Dieulafoy ở hỗng tràng – ruột non chiếm tỉ lệ 1% trong tất cả các trường hợp Dieulafoy. Dieulafoy là nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa hiếm gặp, được mô tả chính xác lần đầu tiên bởi phẫu thuật viên người Pháp - Georges Dieulafoy vào năm 1884. 

Do đó, bác sĩ Hân khuyến cáo, người dân nếu xuất hiện tình trạng chảy máu lượng lớn cần cấp cứu, chẩn đoán nhanh để xác định được vị trí, nguyên nhân gây xuất huyết và can thiệp kịp thời để tránh gây mất máu, tử vong cho bệnh nhân. 

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN