Đối với những người yêu xê dịch, càng những nơi xa xôi, hẻo lánh và khó khăn trong di chuyển lại càng là nơi họ yêu thích. Đồng nghĩa với việc những nơi này sẽ… ngập tràn rác. Nào là vỏ chai nhựa, túi nylon, hộp bia cùng vô số thứ rác thải khác đã theo chân các phượt thủ xuất hiện dọc đường đến cột cờ Lũng Cú - Hà Giang, chất đống ở những chân thác Ba Ao, thác Mu, trải dài trên các bờ biển, các hòn đảo xa xôi, hoang sơ như Ngọc Vừng...
Ngày càng có nhiều nhóm phượt ý thức cao trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường bằng cách: Dọn rác trước, khám phá sau. Ảnh: I.T
Không thể đổ lỗi tất cả là do phượt, nhưng, một số nhóm phượt thiếu ý thức đã mang theo rác lên với miền sâu, miền xa và để lại những thứ làm bẩn khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Thật buồn lòng, khi đằng sau những bức ảnh đẹp long lanh của hành trình khám phá đầy lý thú là những túi nylon, chai nhựa vương vãi khắp đỉnh núi, rừng sâu, chặn cả dòng thác...
Người dân vùng xa mến khách và đón các bạn trẻ nhiệt tình. Nhưng, điều họ nhận lại là những mớ rác thải. Vì thế, dân cư một số vùng rất ác cảm với dân phượt. Vẫn biết chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, chỉ một vài cá nhân thiếu ý thức nhưng đã gây ảnh hưởng tới bao nhiêu cá nhân khác.
Thật may, bên cạnh những nhóm phượt thiếu ý thức thì vẫn còn nhiều bạn trẻ đam mê du lịch bụi hay còn gọi là đi “phượt” kết hợp với việc dọn dẹp và thu gom rác thải những nơi mà mình đi qua. Phong trào này đa số theo hình thức tự phát của một số nhóm phượt thủ, nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc truyền thông điệp “bảo vệ môi trường” đến với mọi người.
Những chiến dịch phát động nhặt rác được nhiều bạn trẻ thích thú hưởng ứng, kéo theo đó lượng rác giảm đáng kể. Nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng tham gia bằng cách ủng hộ kinh phí, hỗ trợ vật dụng chứa đựng rác. Phong trào này ngoài càng được hưởng ứng một cách tự nguyện và tự giác. Đây thật sự là phong trào đáng được tuyên truyền và phát triển. |
Điển hình như nhóm Phượt Đà Nẵng, hàng tuần cứ vào cuối tuần, các phượt thủ lại tụ họp vào những địa điểm quen thuộc như bãi Rạng, bãi đá, ghềnh Bàng… Chẳng ai bảo ai, nhóm bạn trẻ cứ thế dọn sạch điểm đến của mình. Phải mất hàng giờ, cả nhóm mới kết thúc hành trình dọn rác và phân loại rác. Xong đâu đấy, nhóm mới cùng nhau tắm biển, di chuyển đến nơi dựng lều và bắt đầu cuộc vui.
Hay như phong trào dọn rác trên đỉnh Bà Đen (Tây Ninh) là một trong những chiến dịch được nhiều nhóm phượt phát động. Những phượt thủ leo núi kết hợp nhặt rác vào các sáng cuối tuần. Mặc dù địa hình khá khó khăn, và rác thải do du khách bỏ lại tương đối nhiều, nhưng các bạn trẻ vẫn hăng hái, vui vẻ mang những bao tải thu gom rác thải leo xuống đỉnh đồi.
5 giờ sáng, khi nhiều bạn trẻ ở thành phố vẫn còn đang say giấc thì 200 thành viên trong nhóm “Ờ! Phượt đi” đã khởi đầu hành trình nhặt rác tại bãi biển Bình Châu, Vũng Tàu.
“Thường, những chiến dịch khác, tụi mình bắt đầu nhặt rác lúc 7 giờ sáng, nhưng sợ thời tiết hôm nay nắng nhiều sẽ làm mất sức các thành viên và nhiệm vụ nhặt rác không đảm bảo được. Chính vì thế tụi mình phải làm sớm hơn dự định” - Nguyễn Tuấn Anh (trưởng nhóm) chia sẻ.
200 thành viên hội tụ từ cộng đồng phượt ở các tỉnh thành: Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bến Tre, Long An, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Đăk Nông, Lâm Đồng và TP.HCM. Cứ mỗi tháng, các bạn lại “ới” nhau một lần và thế là lên đường vừa đi phượt vừa dọn rác.
Những lợi ích và tiềm lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội là một điều không thể chối cãi được, nhưng chúng ta cũng cần nhìn thẳng sự thật rằng, hiện nay môi trường du lịch đang ngày càng ô nhiễm bởi tốc độ phát triển nhanh chóng của các loại hình du lịch và sự thiếu ý thức của những du khách tham quan. Chính vì thế việc đi du lịch có ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của mỗi cá nhân, tập thể là vô cùng quan trọng trong sự phát triển bền vững của thương mại du lịch.