Thứ sáu, 26/04/2024 | 14:00
RSS

Đến mùa thu hoạch 'vàng trên núi'

Thứ bảy, 27/08/2022, 12:28 (GMT+7)

Ngày 26/8, UBND huyện Chi Lăng tổ chức họp báo giới thiệu về Hội chợ Na Chi Lăng năm 2022 và Chương trình truyền thông quảng bá Thương hiệu sản phẩm Na Chi Lăng và các nông đặc sản trên nền tảng kỹ thuật số.

Với người dân Chi Lăng (Lạng Sơn), cây na từ lâu đã thành “vàng trên núi”, đem lại thu nhập cao hàng năm. Khác với những địa phương khác, những vườn na xứ Lạng được trồng chủ yếu trên núi cao. Chính vì vậy, sản phẩm Na Chi Lăng luôn được khách hàng ưa chuộng bởi vị ngon, ngọt được chắt lọc từ những tinh túy của núi rừng.

Nô nức ngày hội Na Chi Lăng

Những vườn na Chi Lăng (Lạng Sơn) nằm trên tận núi cao mang đến vị ngon, ngọt cho từng múi quả.

Góp phần thúc đẩy, quảng bá hình ảnh cây na Lạng Sơn hơn nữa, ngày 26/8, UBND huyện Chi Lăng tổ chức họp báo giới thiệu về Hội chợ Na Chi Lăng năm 2022 và Chương trình truyền thông quảng bá Thương hiệu sản phẩm Na Chi Lăng và các nông đặc sản trên nền tảng kỹ thuật số. 

Theo thông tin tại buổi họp báo, Hội chợ Na Chi Lăng năm 2022 và Chương trình truyền thông quảng bá Thương hiệu sản phẩm Na Chi Lăng và các nông đặc sản trên nền tảng kỹ thuật số nhằm tôn vinh các cá nhân, hộ gia đình, tập thể tiêu biểu, xuất sắc đã có nhiều đóng góp trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm na và các sản phẩm nông nghiệp; góp phần bảo vệ, nâng cao uy tín, giữ vững thương hiệu sản phẩm Na Chi Lăng; quảng bá, kết nối tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập cho người nông dân.

Nô nức ngày hội Na Chi Lăng

Ông Vi Nông Trường - Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng giới thiệu về “vàng trên núi” xứ Lạng.

Hội chợ Na Chi Lăng năm 2022 gồm các hoạt động: truyền thông về hội chợ, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, du lịch huyện Chi Lăng; tổ chức phát động sản xuất na và các nông đặc sản theo hướng sản xuất an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tổ chức thi các vườn mẫu về phát triển sản xuất na và thi sản phẩm quả na năm 2022; tổ chức công bố nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Gà Vạn Linh và công nhận sản phẩm na đạt OCOP 4 sao…

Các nội dung nằm trong khuôn khổ Hội chợ Na Chi Lăng năm 2022 được triển khai từ tháng 7 đến hết tháng 10/2022. Lễ khai mạc Hội chợ Na Chi Lăng năm 2022 với chủ đề “Na Chi Lăng – Ngọt ngào hương vị Xứ Lạng” được tổ chức vào 20h ngày 9/9/2022 tại Trung tâm Giới thiệu nông sản huyện Chi Lăng.

Nô nức ngày hội Na Chi Lăng

Đặc sản xứ Lạng luôn được chào đón tại khắp nơi.

Được biết vùng sản xuất Na Chi Lăng tập trung chủ yếu ở các xã Chi Lăng, Mai Sao, Thượng Cường, Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ.

Diện tích ước đạt trên 2.300 ha, sản lượng ước đạt 20.000 tấn (bao gồm cả na rải vụ), doanh thu ước đạt khoảng 700 tỷ đồng. Hiện nay, diện tích na trên địa bản Chi Lăng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 698,92 ha. 

Dự kiến đến hết năm 2022, có 3 sản phẩm Na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và xã Chi Lăng, xã Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP bốn sao; 1 sản phẩm Na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP ba sao.

Nô nức ngày hội Na Chi Lăng

Nhờ cây na mà người dân Chi Lăng có thu nhập cao và ổn định.

Theo ông Vi Nông Trường - Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) chương trình “Hội chợ Na Chi Lăng và các sản phẩm nông sản năm 2022” giúp quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm Na Chi Lăng và các nông sản đặc sản, tạo điều kiện phát triển nghề nông và nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con nông dân, góp phần phục hồi kinh tế của huyện Chi Lăng nói riêng và của tỉnh Lạng Sơn nói chung.

“Nhờ phát triển cây na mà nhiều hộ dân đã có thu nhập khá, có thu nhập từ vài chục đến vào trăm triệu đồng/năm, nhiều thôn bản từ nghèo khó nay đã có 60-70% hộ giàu. Cơ sở hạ tầng nông thôn được cải thiện rõ rệt, khang trang, sạch đẹp”, ông Vi Nông Trường cho hay.

Trong thời gian tới, huyện Chi Lăng cũng chỉ đạo tiếp tục giữ ổn định diện tích sản xuất các vùng nông sản chủ lực; tập trung nguồn lực đầu tư vào các hoạt động làm tăng giá trị sản phẩm, tạo mọi điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết và tiêu thụ sản phẩm hình thành cuỗi giá trị. 

Cùng với đó, tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất na và các sản phẩm nông sản chủ lực theo hướng nông nghiệp tốt; thực hiện đăng ký sản phẩm OCOP Na Chi Lăng tại các xã còn lại, tiếp tục đăng ký nâng hạng đối với các sản phẩm đã xếp hạng. 

Trần Giang
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại